Giới thiệu
Từ thuở tạo thiên lập địa , Đức Chúa Trời Toàn Năng đã thiết lập ngày thứ bảy hàng tuần làm ngày thánh, ngày được Đức Chúa Trời ban phước, và là ngày yên nghỉ cho loài người để kỷ niệm công cuộc tạo thế của Ðấng Tạo Hoá, để nhân loại nhớ đến nguồn gốc của mình đến từ đâu, để con người tưởng nhớ và thờ phượng Ðấng đã tạo dựng nên vạn vật.
Ngày thứ bảy còn là dấu hiệu của những người tin Chúa. Ngày thứ bảy được Thánh Kinh gọi là “Ngày của Chúa” hay “Chúa Nhật.” (Xuất Êdíptô Ký 20:10; Êsai 58:13; Luca 6:5)
Trong ngày thứ bảy hay ngày Sa-bát, bắt đầu từ mặt trời lặn tối thứ sáu cho đến mặt trời lặn tối thứ bảy, con người yên nghỉ mọi công việc thường ngày, hướng về công việc thiêng liêng, và cùng đến ra mắt Đức Chyas Trời để thờ phượng Ngài. Ngày nầy là dấu hiệu đời đời cho dân sự trung tín của Ngài.
Luật giữ ngày thứ bảy hay ngày Sa-bát là điều răn thứ tư trong bộ luật luân lý Mười Ðiều Răn bất di bất dịch mà Đức Chúa Trời ban cho loài người. Chính Ðấng Cứu Thế khi còn ở dưới trần gian cũng trung tín để giữ ngày Sa-bát. Sau khi Chúa đã hy sinh, các môn đệ của Chúa cũng trung tín giữ ngày Sa-bát. (Thánh Kinh: Sáng Thế Ký 2:1-3; Xuất Êdíptô Ký 20:8-11; Mác 2:27,28; Luca 4:16; Luca 23:56; Êxêchiên 20:12,20; Xuất Êdíptô Ký 31:16,17; Hêbơrơ 4:4,9-11; Êsai 56:6,7; 58:13,14; Công Vụ 13:13,14,42,43; 17:2; 18:4; Luca 23:56; Êsai 66:22,23; Rôma 3:31)
Trong trọn Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng dân sự của Chúa, từ thời Cựu Ước đến thời Tân Ước, đều yên nghỉ và thờ phượng trong ngày Thứ Bảy hay ngày Sa-bát. Như vậy thì người ta đã dời ngày thánh từ Thứ Bảy qua ngày Thứ Nhất của tuần lễ khi nào và ai đã làm điều nầy?
Chúng ta không có bằng cớ rõ ràng từ lịch sử để biết chính xác khi nào thì Cơ đốc nhân bắt đầu giữ ngày thứ nhất của tuần lễ. Nhưng dù cho họ bắt đầu từ lúc nào đi nữa, các Cơ đốc nhân không hề có ý định dùng ngày thứ nhất của tuần lễ để thay thế cho ngày thứ bảy Sa-bát. Một số sử gia đưa ra những bằng cớ sau đây về sự xuất hiện của hiện tượng giữ ngày thứ nhất của tuần lễ:
Lễ Dâng Bó Lúa và Lễ Ngũ Tuần
Người Giu-đa giữ lễ tạ ơn Chúa về hoa quả đầu mùa (Lê Vi Ký 23:15,16), ngày lễ nầy sau ngày Sa-bát (Lê Vi Ký 23:11), và 50 ngày sau thì có lễ Ngũ-tuần, đánh dấu mùa gặt được hoàn tất (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:9-10).
Chúng ta nhớ rằng hai lễ nầy được giữ hàng năm, chứ không phải hàng tuần. Ðối với Cơ đốc nhân thì Ðức Chúa Giê-su là trái đầu mùa của sự sống lại (I Côrinhtô 15:20), sự sống lại của Chúa xảy ra vào ngày thứ nhất sau ngày Sa-bát, và 50 ngày sau trong lễ Ngũ tuần thì Ðức Thánh Linh ngự trên các môn đồ (Công Vụ Các Sứ Ðồ 2:1-3).
Vì sự liên hệ và song song giữa 2 lễ nầy. Cho nên, lúc đầu Cơ đốc nhân chỉ giữ lễ kỷ niệm ngày Chúa sống lại hằng năm, và sau đó là lễ Ngũ tuần, cũng chỉ có tánh cách hàng năm mà thôi.
Ngày Thứ Nhất Của Tuần Lễ Tại Alexandria Và La Mã
Vào năm 130 Tây lịch, tác giả Barnabas tại Alexandria, đã viết rằng ngày Sa-bát tượng trưng cho 1000 năm thứ bảy (1000 năm bình an) trong lịch sử của thế giới. Ông nói tiếp rằng, “ngày Sa-bát hiện tại không được Chúa chấp nhận, và Chúa đã làm cho ngày thứ tám (Sunday – chủ nhật), trở thành sự khởi đầu của một thế giới khác. Cho nên chúng ta giữ ngày thứ tám, là ngày Chúa Giê-su sống lại.” (1)
Vào năm 150 Tây lịch, Justin Martyr tại La Mã đã viết về ngày thứ nhất của tuần lễ như sau, “Và trong ngày gọi là thứ nhất của tuần lễ (Sunday), tất cả những người sống trong thành phố và trong miền quê hãy nhóm nhau lại trong một nơi, và những văn thư của các sứ đồ hay là sách viết của các tiên tri được đọc, nhiều hay ít tùy theo thời gian cho phép; sau đó, khi người đọc ngưng, người hội trưởng nói những lời khuyên dạy, và khuyến khích sống theo những điều tốt nầy.” Sau đó là lời cầu nguyện, lễ Tiệc Thánh, và hiến dâng cho người nghèo.(2)
Justin cho biết ba lý do tại sao Cơ đốc nhân nhóm họp trong ngày thứ nhất của tuần lễ: 1) vì đó là ngày Ðức Chúa Giê-su sống lại; 2) vì đó là ngày Ðức Chúa Trời dựng nên ánh sáng; 3) vì ngày thứ nhất là ngày thứ tám, sau ngày thứ bảy, và cũng là ngày thứ nhất của tuần lễ.(3)
Cơ đốc nhân thấy có sự liên hệ giữa lễ Cắt bì cho những bé trai trong Cựu Ước vào ngày thứ tám, với sự thờ phượng trong ngày thứ tám (ngày theo sau ngày thứ bảy).
Theo Sử gia Socrates Scholasticus, vào thế kỷ thứ 5 đã viết, “Vì dù cho hầu như phần lớn các hội thánh trên thế giới cử hành lễ Tiệc thánh vào ngày Sa-bát của mỗi tuần lễ, nhưng những Cơ đốc nhân tại Alexandria và La Mã, theo một truyền thống khác, đã ngưng làm điều nầy.” (4)
Hai thành phố nầy là nơi có nhiều người Do Thái cư ngụ nhất. Người Do Thái luôn chống lại sự đô hộ của đế quốc La Mã trên quốc gia Do Thái. Ðồng thời họ nhất quyết không thờ hoàng đế La Mã như là một vị thần. Có nhiều cuộc nổi loạn nghịch lại chính quyền La Mã, đặc biệt là cuộc nổi loạn năm 70 Tây lịch, và vào năm 132-135 Tây-lịch do Bar Cocheba lãnh đạo.
Những cuộc nổi loạn nầy đã khơi dậy chính sách bài trừ Do Thái của chính quyền La Mã. Cho đến năm 135 Tây-lịch, thì chánh sách bài trừ Do Thái lên đến cao điểm. Hoàng đế La Mã Hadrian đày người Do Thái ra khỏi xứ Palestine. Trước đó thì Hoàng đế Trajan đã ra lệnh cấm làm lễ Cắt bì và giữ ngày Sa-bát.(5)
Nhất là tại hai thành phố Alexandria và La Mã, là nơi có nhiều người Do Thái định cư, Cơ đốc nhân tìm đủ mọi cách để khỏi bị ngộ nhận là người Do Thái. Vì thế ngày thứ nhất đã được dùng để thay thế hoàn toàn cho ngày Sa-bát, và được đa số hoan nghinh, để khỏi bị chính quyền La Mã bắt bớ lầm.
Kiêng Ăn Trong Ngày Sa-bát
Ngoài ra tại Hội thánh La Mã còn có một thông lệ đặt ra biến ngày Sa-bát thành ngày kiêng ăn, là ngày buồn rầu, và ngày thứ nhất là ngày vui mừng hân hoan trong sự sống lại của Chúa. Giáo hoàng Sylvester (314-335 Tây-lịch) tuyên bố:
“Nếu mỗi ngày Chủ nhật (thứ nhất của tuần lễ), Cơ đốc nhân hân hoan vì sự phục sinh (của Chúa Giê-su), thì mỗi ngày Sa-bát phải có thái độ ghê tởm với người Giu-đa vì Chúa bị chôn. Ðúng vậy, tất cả các môn đồ của Chúa phải than khóc trong ngày Sa-bát, kêu gào vì Chúa bị chôn, và người Giu-đa thì vui mừng. Nhưng đau buồn tràn đầy trong lòng những môn đồ đang kiêng ăn. Cũng một thể ấy, chúng ta đau buồn trong ngày Chúa bị chôn, và vui mừng trong ngày Chúa phục sinh. Giữ theo nghi lễ và cách ăn uống của người Giu-đa thì không đúng (trong ngày Sa-bát).” (6)
Cho nên Cơ đốc nhân không hân hoan lắm trong việc chào đón ngày Sa-bát. Vì thế, mà ngày thứ nhất được chấp nhận cách dễ dàng.
Ảnh Hưởng Bởi Ngoại Giáo
Tới đây chúng ta thấy rằng, việc giữ ngày thứ nhất thay thế cho ngày thứ bảy Sa-bát không xảy ra ngay sau khi Ðức Chúa Giê-su sống lại, mà mãi đến hơn 100 năm sau đó. Hơn thế nữa, chỉ có hai thành phố làm điều nầy là tại Alexandria và La Mã.
Ðại sử gia Neander đã chép như sau, “Ngày lễ Chủ nhật, cũng như tất cả những ngày lễ khác, chỉ là những điều lệ do loài người đặt ra, và nó đi ra ngoài ý định của các sứ đồ và của hội thánh đầu tiên về việc dời các luật lệ của ngày Sa-bát qua ngày Chủ nhật.” (7)
Sau khi 12 sứ đồ lìa đời, vào cuối thế kỷ thứ 1, hội thánh của Chúa bắt đầu suy thoái. Hội thánh phải đối đầu với hai sự khó khăn: 1) sự bắt bớ từ chính quyền ngoại giáo La Mã; 2) ảnh hưởng của những tập tục hư nát, giáo điều sai lầm của ngoại giáo. Hội thánh mất đi lòng tin trong sạch và trọn vẹn thuở ban đầu.
Cho đến năm 312, Hoàng đế La Mã là Constantine quy phục đạo vì lý do chính trị, đã hợp thức hóa Cơ đốc giáo, miễn thuế cho các nhà truyền giáo, bãi bỏ các cuộc hành quyết vì đạo, cho xây cất những ngôi nhà thờ thật nguy nga.
Ðạo của Chúa bây giờ trở nên một công cụ cho chính quyền. Các nhà lãnh đạo tôn giáo vui hưởng vật chất và quyền lợi, đi theo đường lối của chính quyền La Mã hơn là đi theo đường lối của Chúa. Những người tin Chúa thật lòng lại bị những nhà lãnh đạo tôn giáo bắt bớ tàn sát, và họ phải âm thầm sống trong bóng tối để làm theo lời Chúa. Các cuộc cải cách đều bị dập tắt, mãi đến thế kỷ thứ 16, cuộc cách mạng cải cách tôn giáo mới được thành công để đem lẽ thật của Chúa đến cho chúng ta ngày hôm nay.
Trước khi Hoàng đế Constantine hợp thức hóa hay quốc hữu hóa Cơ đốc giáo, vai trò lãnh đạo giáo hội được chia ra giữa các vị Giám mục (Bishop). Mỗi vị lo quản nhiệm trong điạ phận của mình. Ví dụ như: Giám mục tại La Mã quản nhiệm Ý-đại-lợi, Giám mục tại Carthage quản nhiệm Bắc Phi-Châu, Giám mục tại Giê-ru-sa-lem quản nhiệm vùng Palestine, Giám mục tại Alexandria quản nhiệm Ai-cập, Giám mục tại Antioch quản nhiệm Sy-ri, Giám mục tại Constantinople quản nhiệm miền đông của đế quốc La Mã (Nga Sô hiện đại)…
Nhưng vị Giám mục tại La Mã vì nằm ngay thủ đô của đế quốc, quản nhiệm một hội thánh lớn tại thủ đô La Mã với số tín hữu có thể lên đến 30,000 người. Tự nhiên uy quyền của mình vẫn được tôn trọng hơn. Thêm vào đó, sau khi được thừa nhận bởi chính quyền, vị Giám mục tại La Mã dùng những thủ đoạn chính trị để củng cố và nâng cao quyền hành của mình, đàn áp hay loại trừ (dứt phép thông công – excommunicate) những vị Giám mục từ các nơi khác ra khỏi giáo hội nếu không đi theo đường lối của mình. Vì thế những giáo điều sai lầm đã xâm nhập vào hội thánh của Chúa một cách mau chóng qua vai trò của vị Giám mục tại La Mã (ngày nay gọi là Ðức Giáo hoàng).
Trở lại vấn đề ngày Sa-bát, vào cuối thế kỷ thứ nhất Tây lịch, Thái Dương Thần giáo đã lan rộng trong khắp lãnh thổ của La Mã. Tác giả Gaston H. Halsberghe đã viết rằng, “Vào đầu thế kỷ thứ hai Tây lịch, đạo Sol Invictus đã thống trị tại thủ đô La Mã và các phần khác trong lãnh thổ đế quốc La Mã.” (8))
Dân La Mã đã thờ hoàng đế của họ như là Thần Mặt Trời, thêm vào đó với ảnh hưởng bởi quan niệm của người đông phương coi vua là Thiên tử (Con Trời), cùng những lý do chính trị khác đã khiến Thái Dương Thần giáo lan rộng trong giai đoạn nầy.
Những Cơ đốc nhân từ gốc Thái Dương Thần giáo rất dễ bị lôi cuốn hướng về ngày của mặt trời (Sunday) và đề cao mặt trời. Trong những văn phẩm hay hình ảnh của những Cơ đốc nhân nầy, họ thường dùng mặt trời để tượng trưng cho Ðức Chúa Giê-su. Ví dụ như hình điêu khắc bên dưới bàn thờ trong thánh đường St. Peter tại La Mã đã tả Ðức Chúa Giê-su như là mặt trời. (9)
Một điều khác chứng minh ảnh hưởng của Thái Dương Thần giáo trên Cơ đốc nhân đầu tiên là khi cầu nguyện, thay vì họ hướng về thành Giê-ru-sa-lem, thì họ lại thay đổi hướng về phương Ðông, phương mặt trời mọc, và cũng là hướng mà Ðức Chúa Giê-su trở lại.
Một ví dụ rõ ràng nhất về sự ảnh hưởng của Thái Dương Thần giáo là ngày sanh nhật của Thần Mặt Trời vào ngày 25 tháng 12. Ðó là ngày mà người tín hữu Thái Dương Thần giáo tin rằng Thần Mặt Trời đã đáp lời cầu nguyện của họ, và không lặn sớm nữa. (Ở các xứ thuộc miền Bắc bán cầu, vào mùa đông thì ngày càng ngắn, và đêm càng dài ra). Ngày nầy đã được Giáo hội Công Giáo La Mã tiếp nhận và áp dụng trên toàn thể địa phận của giáo hội làm ngày kỷ niệm sự giáng sinh của Ðức Chúa Giê-su để có thể chiêu mộ được nhiều tín đồ Thái Dương trở về. (10)
Như vậy chúng ta thấy rằng ảnh hưởng của Thái Dương Thần giáo về sự quan trọng của ngày thứ nhất, ngày của Thần Mặt Trời, cũng không có gì là lạ.
Cho đến năm 312 Tây lịch, Hoàng đế La Mã, Constantine, tiếp nhận đức tin trở thành Cơ đốc nhân (vì lý do chính trị). Vua Constantine hợp thức hóa đạo của Chúa trở thành quốc giáo. Nhà vua trở thành giáo chủ. Kể từ đây có nhiều tệ đoan xâm nhập vào đạo của Chúa. Lẽ thật bị lu mờ. Những tập tục sai lầm được tiếp nhận. Lúc bấy giờ, Mithrais (Thần Mặt Trời) và Thái Dương Thần giáo có hàng triệu tín đồ trong khắp lãnh thổ của La Mã. Ðể giới thiệu Cơ đốc giáo là đạo mình vừa tiếp nhận cho thần dân trong nước La Mã, và vừa để thống nhất một lãnh thổ rộng lớn đang suy sụp bởi nhiều phe phái, nhiều chủng tộc, nhiều tôn giáo, vua Constantine cảm thấy cần phải đi theo phong tục của đại đa số.
Vào ngày 7 tháng 3 năm 321, vua đã ra một SẮC LỆNH DÂN SỰ rằng, “Hãy để cho tất cả các chức sắc (magistrates), dân trong thành phố, và những cửa hàng buôn bán NGHỈ NGƠI trong ngày lễ thờ thần Thái Dương.” (11) Tuy nhiên, các nông gia được miễn giữ ngày nầy với lý do là mùa gặt phải được gặt đúng lúc. Ðây là sắc luật đầu tiên về ngày thứ nhất của tuần lễ. Sắc lệnh nầy có tánh cách dân sự chứ không phải tôn giáo.
Sau đó Giáo hội Công Giáo La Mã tiếp tục ra những giáo luật để làm ngày Chủ nhật trở thành ngày thánh.
Trong kỳ Hội Nghị Tôn Giáo tại Laodicea vào thế kỷ thứ 5, một giáo lịnh (29th canon) đã được truyền ra, đặt nền tảng trên sự chống báng giữa người Do Thái và Cơ đốc nhân, buộc tội những người giữ ngày Sa-bát của Chúa cho là chịu ảnh hưởng của Do Thái giáo,
“Cơ đốc nhân không nên bị Do Thái hóa và lười biếng trong ngày thứ Bảy nhưng phải làm việc trong ngày đó. Họ phải đặc biệt tôn kính ngày Chủ nhật (Sunday), và là Cơ đốc nhân, NẾU CÓ THỂ ÐƯỢC, không nên làm việc trong ngày đó (chủ nhật). Tuy nhiên, nếu Cơ đốc nhân bị bắt gặp nghỉ ngơi trong ngày thứ Bảy như người Do Thái, họ sẽ bị ném ra khỏi (shut out from) Ðấng Cứu Thế.” (12)
Vào năm 538, trong Kỳ Ðại Hội Nghị Tôn Giáo lần thứ ba tại Orleans, Pháp quốc, một giáo luật được gọi là Giáo luật thứ 28 (28th canon) cấm tuyệt đối luôn những công việc ngoài đồng ruộng để mọi người có thể đến thờ phượng tại giáo đường vào ngày thứ nhất của tuần lễ.(13)
Tiếp theo đó, Hội Nghị Tôn Giáo lần thứ hai tại Macon (Second Synod of Macon) vào năm 585, và Hội Ðồng tại Narbonne (Council of Narbonne) vào năm 589, ra những điều luật bắt giữ ngày Chủ nhật một cách rất khắt khe.(14)
Ðức Giáo hoàng Gregory I (590-604) cấm người ta đeo ách vào cổ của trâu bò và không làm bất cứ việc gì, ngoại trừ những lý do được cho phép. Ðức Giáo hoàng Gregory II (715-731) ra chiếu chỉ rằng mỗi ngày Chủ nhật đều phải được tuân giữ từ mặt trời lặn (vesper) cho đến mặt trời lặn (vesper), và phải kiêng cữ tất cả những công việc không được phép làm.(15)
Tóm Tắt
Nói tóm lại, những người đi theo Chúa vào những thế kỷ đầu không hề có ý định dùng ngày thứ nhất của tuần lễ thay thế cho ngày Sa-bát.
Họ kỷ niệm ngày Chúa sống lại vào ngày thứ nhất của tuần lễ mỗi năm một lần chứ không phải mỗi tuần lễ.
Việc giữ ngày thứ nhất của tuần lễ thay thế cho ngày thứ bảy Sa-bát, chỉ xảy ra tại hai thành phố La Mã và Alexandria.
Vào thế kỷ thứ 5, các Cơ đốc nhân tại các nơi khác giữ hai ngày song song với nhau. Nhưng ngày thánh, ngày của Chúa vẫn là ngày Sa-bát. Cho đến khi Giáo hội La Mã ra luật cưỡng ép giữ ngày thứ nhất, và bắt bớ việc giữ ngày Sa-bát. Vì thế mà dần dần chỉ còn một thiểu số trung thành giữ ngày thứ Bảy mà thôi.
Giáo hội La Mã Xác Nhận Ðiều Nầy
Linh mục John A. O’Brien đã viết, “Tôi đã đọc Thánh Kinh, từ câu đầu trong Sáng Thế Ký cho đến câu cuối cùng của sách Khải-huyền, tôi không tìm được một câu nào bảo hãy giữ ngày Chủ nhật làm ngày thánh. Ngày được nhắc đến trong Thánh Kinh không phải là ngày Chủ nhật (Sunday), ngày thứ nhất của tuần lễ, mà là ngày thứ Bảy (Saturday), ngày cuối cùng của tuần lễ.” (16)
Trong lần tái bản quyển Giáo-lý Công-Giáo Cho Những Người Quy Ðạo (The Convert’s Catechism of Catholic Doctrine) vào năm 1957, do tác giả Peter Geiermann biên soạn, có mục vấn đáp như sau (đây là quyển giáo điều chính thức của Giáo-hội La Mã, được Giáo hoàng ban phước vào ngày 25 tháng 11, 1910, dùng để dạy những người muốn gia nhập giáo hội):
“Hỏi: Ngày nào là ngày Sa-bát?
Ðáp: Ngày thứ Bảy – Saturday – là ngày Sa-bát.
Hỏi: Tại sao chúng ta lại giữ ngày Chủ nhật thay vì ngày thứ Bảy?
Ðáp: “Chúng ta giữ ngày Chủ nhật thay vì ngày thứ Bảy vì Giáo hội Công giáo, trong Ðại Hội Nghị Tôn Giáo tại Laodicea (A.D. 336), đã dời sự trọng thể từ ngày thứ Bảy qua ngày Chủ nhật.” (17)
“Chúng tôi giữ ngày Chủ nhật thay vì ngày thứ Bảy, vì Giáo hội Công giáo đã dời sự thánh khiết từ ngày thứ Bảy qua ngày Chủ nhật.” (18)
“Ngày Chủ nhật được thiết lập, không phải dựa trên Thánh Kinh, nhưng dựa trên truyền thống, và là một thể chế đặc biệt của Công giáo.” (19)
Giáo hội La Mã tự cho rằng “Giáo hội Công giáo, bởi uy quyền của Ðức Chúa Giê-su, đã đổi ngày yên nghỉ qua ngày Chủ nhật để kỷ niệm ngày Chúa sống lại.” (20)
Trong khi đó chính Ðức Chúa Giê-su lại phán rằng, “đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.” (Ma-thi-ơ 5:18).
Ngày hôm nay, Giáo hội La Mã không công khai tuyên bố rằng mình đã dời sự thánh khiết của ngày Sa-bát qua ngày thứ nhất của tuần lễ. Nhưng Giáo hội vẫn cho rằng ngày thứ nhất của tuần lễ quan trọng hơn ngày thứ bảy Sa-bát, ngày thứ nhất đã thay thế cho ngày thứ bảy, và tín hữu phải nghỉ ngơi các công việc trong ngày thứ nhất, và đi thờ phượng trong ngày thứ nhất.
Trong quyển Giáo-Lý Của Giáo-Hội Công-Giáo (Catechism of the Catholic Church) được xuất bản năm 1994, viết như sau:
“Ðức Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết vào ngày thứ nhất của tuần lễ. Vì đây là ‘ngày thứ nhất,’ ngày Chúa phục-sinh nhắc lại sự tạo thế lần thứ nhất. Vì đây là ‘ngày thứ tám’ theo sau ngày Sa-bát, ngày nầy (thứ nhất) tượng trưng cho sự tạo dựng mới mà sự phục sinh của Ðấng Christ đã đem lại. Ðối với những người theo Chúa, ngày nầy trở thành quan trọng nhất trong tất cả mọi ngày, là ngày đầu trong tất cả những ngày lễ, là Chúa Nhật (Ngày của Chúa), tức là thứ nhất (Sunday).”
“Ngày thứ nhất của tuần lễ (Sunday) phải được phân biệt rõ ràng với ngày Sa-bát, là ngày mà nó tiếp nối theo cách thứ tự trong mỗi tuần; đối với Cơ đốc nhân những nghi lễ trong ngày chủ nhật đã thay thế ngày thứ bảy.”
“Trong ngày thứ nhất của tuần lễ (Sunday)… tín hữu phải nghỉ ngơi những công việc hay sinh hoạt có thể ngăn cản sự thờ phượng dành cho Chúa…” (21)
Thánh Kinh Báo Trước
Cách đây hơn 2500 năm, lời tiên tri trong Thánh Kinh đã báo trước về sự thay đổi nầy trong luật pháp của Thiên Chúa. Tiên tri Ðaniên, bởi sự khải thị của Thiên Chúa, đã thấy được tình hình chánh trị và tôn giáo của thế giới cho đến ngày cuối cùng (Ðaniên 2,7-12).
Từ Ðaniên đoạn 2 và 7, chúng ta thấy có bốn đế quốc sẽ lần lượt cai trị vùng Trung Ðông, Tiểu Á, Âu Châu, Cận Ðông cho đến ngày cuối cùng của lịch sử nhân loại. Ðó là Ba-by-lôn, Mê-đô Ba Tư, Hy Lạp, và La Mã.
Trong đoạn 7, tiên tri Ðaniên cho biết sau khi đế quốc La Mã bị sụp đổ, sẽ bị phân chia ra làm 10 nước. Và rồi có một quyền lực đến sau (vị vua thứ 11) sẽ dấy lên, và huỷ diệt đi 3 quyền lực trước. Vị vua hay quyền lực thứ 11 nầy, xuất phát tại Âu Châu, sẽ bách hại dân sự trung thành của Chúa cùng “thay đổi thời gian và luật pháp.” (Ðaniên 7:25)
Nếu chúng ta nghiên cứu lịch sử thì thấy rằng miền tây của Ðế Quốc La Mã bị xâm lăng bởi các dân tộc người dã man Bắc Âu và hoàng đế La Mã phải dời thủ đô về miền đông. Năm 476 SC được các sử gia cho rằng Tây La Mã bị chia cắt ra bởi những dân tộc nầy. Khi hoàng đế La Mã dời thủ đô về Constantinople, quyền lãnh đạo tại Âu Châu bị trống và vai trò của Ðức Giáo hoàng được nâng cao để thay thế vào. Trải qua một thời gian tranh chấp quyền hành, dân tộc Heruls, Vandals, và Ostrogoths bị huỷ diệt, và quyền lực của Giáo hoàng La Mã trở thành độc tôn tại Âu Châu trong suốt thời kỳ trung cổ. Như vậy, quyền lực thứ 11 chính là thể chế Giáo hoàng La Mã.
Thánh Kinh tiên tri rằng thế chế nầy, vua thứ 11, đã thay đổi “thời gian và luật pháp.” (Ðaniên 7:25). “Thời kỳ” hay “thời gian” là chuyển ngày thánh từ ngày thứ bảy qua ngày thứ nhất của tuần lễ. Thay đổi “luật pháp” là huỷ bỏ điều răn thứ 2 là điều dạy con người không được thờ hình tượng. Và tách điều răn thứ 10 ra làm hai điều để bù lại cho đủ số mười điều răn.
Dân Sự Trung Tín Với Ðức Chúa Trời Trong Ngày Cuối Cùng:
Khải Huyền là sách tiên tri trong Thánh Kinh nói rất nhiều về những biến cố trong những ngày cuối cùng của thế giới. Khải Huyền đoạn 12,13 và 14 là trung tâm điểm của Khải-huyền.
Theo lời tiên tri trong sách Khải Huyền đoạn 12 thì cuộc chiến giữa thiện và ác xảy ra từ trên thiên đàng và kéo xuống đến hạ giới. Cuộc chiến gồm có 4 giai đoạn:
- Giữa Mi-chên, thiên sứ trưởng, cùng 2/3 thiên sứ trung thành chống lại Sa-tan hay con rồng và 1/3 thiên sứ phản loạn. Sa-tan và các sứ của nó thất bại trong giai đoạn 1 của cuộc chiến và bị đuổi xuống thế giới loài ngừơi (Khải Huyền 12:1,7,8,9).
- Khi bị đuổi xuống đất Sa-tan đi dỗ dành thiên hạ để phản nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời. Nhưng Ðức Chúa Trời có một nhóm người trung thành với Ngài qua biểu tượng người đàn bà tinh khiết. Qua người đàn bà hay tuyển dân nầy, Ðấng Cứu Thế được sinh ra đời để cứu nhân loại và Sa-tan tấn công Ðấng Cứu Thế khi Ngài giáng sinh xuống trần gian (Khải Huyền 12:1,2,4,5).
Nhưng Sa-tan lại thất bại trong giai đoạn thứ 2. Ðấng Cứu Thế đã hoàn tất chương trình cứu rỗi bằng cách dâng chính mình Ngài trên thập tự giá làm của lễ chuộc tội cho nhân loại, và Ngài đã sống lại từ trong mồ mã, chiến thắng sự chết để ban sự sống cho những kẻ tin Ngài trong ngày Chúa tái lâm. - Sau khi thất bại với Ðấng Cứu Thế và Ngài thăng thiên về trời, Sa-tan tấn công dân sự của Chúa trong thời gian 1 kỳ, những kỳ, và nữa kỳ, hay 1260 ngày tiên tri hay 1260 năm.
Trong giai đoạn nầy Sa-tan đổi chiến lược, xâm nhập vào hội thánh, làm lũng đoạn niềm tin. Những ai trung thành thì bị giết. Giai đoạn nầy Sa-tan xử dụng “sừng nhỏ” hay “Công Giáo La Mã” như là một công cụ để thi hành ý đồ của nó. Nhưng Sa-tan cũng thất bại vì Ðức Chúa Trời luôn luôn có chương trình để giải thoát hội thánh trung thành của Ngài, chính tân thế giới hay Châu Mỹ là vùng đất Chúa chuẩn bị cho những người bị bắt bớ vì tôn giáo từ Âu Châu trốn sang để giữ vững đức tin (Khải Huyền 12:6,13-16). - Sa-tan sẽ cố gắng một lần cuối cùng trong giai đoạn thứ tư của cuộc chiến. Nó sẽ đi tranh chiến cùng con cái còn sót lại của Ðức Chúa Trời, tức là hội thánh giữ các điều răn của Ðức Chúa Trời và lời chứng của Ðức Chúa Giê-su, cùng lòng tin Ðức Chúa Giê-su (Khải Huyền 12:17; 14:12).
Sa-tan sẽ dùng 2 quyền lực của “hai con thú” trong Khải Huyền 13 để thực hiện ý đồ của nó trong giai đoạn cuối cùng của trận chiến. Con thú thứ nhất trong Khải Huyền 13:1-10 là kết tụ của những đặc điểm của những con thú trong Ðaniên đoạn 7: sư tử, gấu, beo, con rồng. Con thú nầy bị một vết thương cho đến chết, năm 1798 bị quân đội Cách Mạng Pháp chấm dứt quyền hành. Nhưng Khải Huyền cho biết rằng vết thương đó sẽ được lành và cả thế giới đều đi theo trong ngày cuối cùng (Khải Huyền 13:3,4). Quyền lực Công Giáo La Mã qua trung tâm điều hành là Vatican sẽ được phục hồi trong ngày cuối cùng, và sự bắt bớ sẽ xảy ra cho dân sự trung tín của Chúa (Khải Huyền 13:7,8; Mathiơ 24:9).
Còn người đàn bà tinh khiết hay hội thánh mà Chúa đem vào trốn trong đồng vắng để tránh sự tấn công của Sa-tan trong giai đoạn thứ ba – thời trung cổ (Khải Huyền 12:13-16) sẽ biến thành người đàn bà tà dâm hay hội thánh tà dâm, từ bỏ đường lối Chúa, từ bỏ điều răn của Chúa, và quay trở lại cộng tác với quyền lực của “sừng nhỏ” hay “con thú thứ nhất” trong Khải Huyền 13 để bắt bớ hội thánh còn sót lại (Khải Huyền 17:1-6; II Têsalônica 2:3).
Hay nói cách khác, trong ngày cuối cùng, các hệ phái cải cách giáo tại Hoa kỳ sẽ bội đạo và sẽ bắt tay với Công Giáo La Mã để bắt bớ dân sự còn sót lại của Chúa và thống trị thế giới. Nhưng lần nầy chính Ðức Chúa Giê-su sẽ ra tay để giải thoát dân sự của Ngài (Ðaniên 12:1; Khải Huyền 17:14; 19:11-21).
Khải Huyền 13 và 14 cho chúng ta thấy rằng giai đoạn thứ tư của cuộc chiến đó sẽ lan tràn và bao gồm cả thế giới trong những ngày cuối cùng của nhân loại. Ðề tài chính của Khải Huyền 13 và 14 là sự thờ phượng. Khải Huyền 13 câu 1 cho biết, Sa-tan khiến thế giới thờ phượng một thế lực tôn giáo (con thú thứ nhất lên từ biển) do Sa-tan thiết lập. Sa-tan sẽ xử dụng một thế lực thứ hai, tức con thú lên từ đất (Khải Huyền 13:11), để bắt buộc dân cư thế giới thờ lạy thế lực tôn giáo thứ nhất.
Nhưng Khải Huyền 12:17 và đoạn 14 cho biết rằng, sẽ có một thiểu số sẽ không thờ phượng thế lực tôn giáo do Sa-tan thiết lập, mà họ sẽ chọn để thờ phượng Ðức Chúa Trời Chân Thật là Ðấng “dựng nên trời, đất, biển, và các suối nước.” Họ sẽ nhịn nhục để “giữ (các) điều răn của Ðức Chúa Trời và giữ lòng tin Ðức Chúa Giê-su.” (Khải Huyền 14:12). (Trong bản tiếng Việt không có chữ ”các” điều răn). Chẳng những họ thờ phượng Ngài, mà họ còn đi ra rao giảng khắp đất, kêu gọi thế giới quay trở về thờ phượng Ðức Chúa Trời chân thật (Khải Huyền 14:6,7). Khải Huyền 7:9 cho biết rằng “vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng” sẽ tiếp nhận sứ điệp nầy.
Lòng Tin Nơi Ðức Chúa Giê-su & Ðiều Răn Ðức Chúa Trời
Lòng tin nơi Ðức Chúa Giê-su và điều răn của Ðức Chúa Trời đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh tôn giáo giữa thiện với ác, thật và giả trong ngày cuối cùng (II Têsalônica 2:10-13; Khải Huyền 12:17; 14:12).
Không có đức tin trong Ðức Chúa Giê-su chúng ta sẽ không có sức mạnh hay quyền năng để chiến thắng. Không có điều răn của Ðức Chúa Trời chúng ta sẽ không có phương hướng, không có chiến tuyến, không có dấu hiệu để nhận ra vị trí của chúng ta.
Ðức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài 10 Ðiều răn trong Xuất Êdíptô Ký 20:1-17. Mười Ðiều răn dạy chúng ta như sau:
- không thờ thần nào khác ngoài Chúa;
- không làm, không thờ lạy, và không hầu việc tượng chạm;
- không được xúc phạm đến Danh Chúa;
- hãy nhớ ngày thứ bảy giữ làm ngày thánh của Chúa vì Ngài là Ðấng Tạo Hoá;
- hãy hiếu kính cha mẹ;
- không giết người;
- không phạm tội tà dâm;
- không trộm cướp;
- không nói dối;
- không tham lam vợ người và tài sản của người.
Bốn điều đầu dạy chúng ta phải liên hệ với Ðấng Tạo Hóa của chúng ta như thế nào. Ðây là thiên đạo. Sáu điều sau dạy chúng ta trong bổn phận đối với loài người, hay là nhân đạo. Khải Huyền 13 và 14, cho ta thấy rằng cuộc chiến giữa thiện và ác trong ngày cuối cùng sẽ tập trung vào bốn điều răn đầu:
- Ðiều răn thứ nhất kêu gọi thờ phượng Ðức Chúa Trời, nhưng Sa-tan sẽ có kế hoạch để ép buộc thế giới sẽ thờ phượng con thú và con rồng (Khải Huyền 13:4,12; 14:9).
- Ðiều răn thứ hai Chúa dạy đừng thờ hình tượng, nhưng thế lực giả dối kia sẽ bắt buộc dân cư thế gian thờ hình tượng (Khải Huyền 13:14-15).
- Ðiều răn thứ ba Chúa dạy hãy tôn trọng Danh Chúa. Nhưng thế lực giả dối của Sa-tan sẽ xúc phạm đến Danh Chúa và phạm đến đền thờ trên trời là nơi Ðức Chúa Giê-su đang là Thầy Tế Lễ Cả cầu thay cho tội lỗi chúng ta (Khải Huyền 13:6; Hêbơrơ 4:14-16; 8:1-2). Muốn biết như thế nào là phạm thượng xin đọc trong Thánh Kinh sách Giăng 10:33 và Luca 5:21.
- Ðiều răn thứ tư Chúa dạy hãy giữ ngày thứ bảy là ngày Sa-bát thánh, là ngày của Ðấng Tạo Hóa, làm ngày thờ phượng Chúa và là dấu hiệu của Chúa với dân sự Ngài (Xuất Êdíptô Ký 20:8-11; Êxêchiên 20:12,20).
Nhưng quyền lực của Sa-tan chống lại điều răn của Chúa, ép buộc dân cư thế gian nhận một dấu riêng của nó, thay vì nhận ấn của Ðức Chúa Trời (Khải Huyền 13:16,17; 14:9-11; II Têsalônica 2:8-10).
KhảiHuyền 14:7 kêu gọi thế giới hãy “thờ phượng Ðấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước.” Tức là quay trở về thờ phượng Ðấng Tạo-Hóa. Trong điều răn thứ tư, Chúa dạy dân sự của Ngài “hãy nhớ”Ô ngày thứ bảy giữ làm ngày thánh vì “trong sáu ngày Ðức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ” (Xuất Êdíptô Ký 20:8-11).
Khi chúng ta so sánh Khải Huyền 7:1-4 và 14:1-5, chúng ta thấy rằng 144,000 (những người đi tiên phong hay trái đầu mùa để rao báo cho thế giới) người nhận được ấn của Chúa, và ấn đó có Danh của Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con.
Chúng ta hãy suy nghĩ trong bốn điều răn, thì điều nào có danh của cả Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con là Ðấng Tạo Hóa trong đó? Ðiều răn thứ nhất dạy rằng đừng thờ một thần nào khác. Ðiều răn thứ hai dạy rằng đừng làm hình tượng để mà thờ. Ðiều răn thứ ba bảo người ta tôn trọng Danh Chúa. Chỉ có điều răn thứ tư là cho chúng ta biết lý do tại sao ta nên thờ lạy và tôn trọng Danh Chúa; chỉ có điều răn thứ tư là chỉ cho chúng ta phương cách để ta thờ Chúa, và tôn trọng Danh Chúa vì Ngài là Ðấng Tạo Hóa, và ngày Sa-bát là ngày của Ngài.
Chúng ta hãy thử suy nghĩ, trong 10 điều răn, 6 điều sau (nhân đạo), trong chúng ta ai cũng cho là có lý hết, dù rằng chúng ta có vi phạm. Nhưng đối với bốn điều răn đầu, nếu tôi thờ một mình Chúa, không thờ hình tượng đâu có ai nhận ra, chỉ lòng tôi biết thôi. Nếu tôi không tạo một thần tượng trong tư tưởng tôi để thờ, thì cũng chẳng có ai biết hết. Nếu tôi không xúc phạm Danh Chúa, thì cũng không ai biết rằng tôi có thờ phượng Chúa hay không.
Nhưng nếu tôi đi thờ phượng trong ngày thứ bảy, nếu tôi giữ ngày thứ bảy làm ngày thánh, không đi làm việc, những người chung quanh sẽ biết rằng tôi thờ phượng Chúa. Hơn thế nữa, giữ ngày Sa-bát, tức là tôi có thể sẽ mất việc làm, sẽ không sinh hoạt bình thường được.
Giữ ngày Sa-bát có thể bị thiệt thòi theo lối nhìn của con người. Nhưng vì lòng trung thành với Chúa, chúng ta sẽ vâng theo lời Ngài. Chúng ta bước đi không phải bằng mắt thấy, mà bằng đức tin (II Côrinhtô 5:7).
Nếu trung thành mà được quyền lợi vật chất, thì đâu cần phải trung thành. Cho nên điều răn thứ tư rất quan trọng. Ðó là dấu hiệu cho biết rằng ai là dân sự của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời phán rằng, “Ta cũng cho chúng nó những ngày Sa-bát ta làm một dấu giữa ta và chúng nó, đặng chúng nó biết rằng ta là Ðức Giê-hô-va biệt chúng nó ra thánh… Hãy biệt những ngày Sa-bát ta ra thánh, nó sẽ làm dấu giữa ta và các ngươi, hầu cho các ngươi biết rằng ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời các ngươi.” (Êxêchiên 20:12,20).
Vì thế trong ngày cuối cùng, dấu hiệu của dân còn sót lại của Chúa sẽ là “giữ các điều răn của Ðức Chúa Trời và lời chứng của Ðức Chúa Giê-su.” (Khải Huyền 12:17). “Ðây tỏ ra sự nhịn nhục của các thánh đồ: chúng giữ điều răn của Ðức Chúa Trời và giữ lòng tin Ðức Chúa Giê-su.” (Khải Huyền 14:12).
Kết Luận
Chúng ta lựa chọn vâng theo điều răn thật do chính miệng Thiên Chúa phán hay điều răn đã bị quyền lực của loài người thay đổi? Ðức Chúa Giê-su phán, “Trời đất qua đi còn dễ hơn một nét chữ trong luật pháp phải bỏ đi.” (Luca 16:18)
Chúng ta lựa chọn giữ ngày thánh là ngày chính Thiên Chúa ban phước, đặt làm ngày thánh, và bảo hãy yên nghỉ, hay chúng ta chọn để giữ một ngày theo mệnh lệnh và truyền thống của con người.
Khi Ðức Chúa Giê-su còn truyền giáo dưới thế gian nầy, Chúa va chạm với người Pha-ri-si về nhiều vấn đề. Một trong những vấn đề đó là truyền thống của loài người nghịch lại với điều răn của Ðức Chúa Trời. Thánh Kinh ghi lại rằng:
“Bấy giờ, có mấy người Pha-ri-si và mấy thầy thông giáo từ thành Giê-ru-sa-lem đến gần Ðức Chúa Giê-su, mà thưa rằng: Sao môn đồ thầy phạm lời truyền khẩu (truyền thống, phong tục) của người xưa? Vì họ không rửa tay trước khi ăn. Ngài đáp rằng: Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền khẩu (truyền thống, phong tục) mình mà phạm điều răn của Ðức Chúa Trời? Vì Ðức Chúa Trời đã truyền điều răn nầy: Phải hiếu kính cha mẹ ngươi; lại, điều nầy: Ai mắng nhiếc cha mẹ thì phải chết. Nhưng các ngươi lại nói rằng: Ai nói cùng cha mẹ rằng: Những điều mà tôi có thể giúp cha mẹ, đã dâng cho Ðức Chúa Trời rồi, thì người ấy không cần phải hiếu kính cha mẹ. Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Ðức Chúa Trời. Hỡi kẻ giả hình! Ê-sai đã nói tiên tri về các ngươi phải lắm, mà rằng:
“Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích; Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi nguời ta đặt ra.” (Mathiơ 15:1-9)
Tin đồn về sự dạy dỗ của Ðức Chúa Giê-su và những phép lạ của Ngài đã được đồn ra khắp nơi. Những người lãnh đạo tại Giê-ru-sa-lem gởi một phái đoàn đến để chất vấn Ðức Chúa Giê-su về truyền thống của người Giu-đa. Họ tấn công môn đồ của Ðức Chúa Giê-su. Họ kết tội rằng môn đồ của Chúa đã phạm truyền thống rửa tay trước khi ăn do các trưởng lão truyền lại. (Ðây không phải là luật của Môi-se).
Ðức Chúa Giê-su lập tức hỏi họ tại sao họ lại vi phạm luật pháp của Ðức Chúa Trời. Chúa dùng điều răn thứ 5 làm ví dụ. Người Pha-ri-si ham tiền tài (Luca 16:14). Họ muốn người ta đem tiền dâng vào đền thờ, cho nên họ đặt ra truyền thống rằng: hễ điều gì hứa dâng cho Chúa thì không được để lại dùng cho cha mẹ. Và như thế họ bỏ đi điều răn thứ 5 của Chúa dạy.
Chúng ta chú ý những điều sau trong câu chuyện nầy:
- Ðối với Chúa điều răn của Ðức Chúa Trời, tức là Lời của Ðức Chúa Trời, có giá trị tuyệt đối và cao hơn bất cứ truyền thống tập tục nào của loài người, ngay cả truyền thống của những người lãnh đạo tôn giáo (Mathiơ 15:3,6).
- Sự thờ phượng theo truyền thống của loài người nghịch lại điều răn của Ðức Chúa Trời là giả hình, chỉ trên môi miếng, không có tấm lòng trong đó (15:7,8). Nếu có thật sự hết lòng thì sẽ tìm kiếm ý Chúa mà làm theo. “Ðường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”
- Sự thờ phượng theo truyền thống hay điều răn của loài người là sự thờ phượng vô ích (15:9).
- Giả sử ngày hôm nay Chúa gặp trường hợp nầy, có lẽ Chúa sẽ dùng điều răn thứ 4 để làm ví dụ mà đối lại với các nhà lãnh đạo tôn giáo của hội thánh.
Tuân theo sự dạy dỗ trên của Chúa, một số Cơ đốc nhân vẫn trung thành giữ theo điều răn của Ðức Chúa Trời. Dù rằng thế lực và ảnh hưởng của Giáo hội La Mã quá to lớn trong thời trung cổ tại Âu Châu và phong trào thám hiểm, thiết lập thuộc địa trên thế giới của các quốc gia Âu Châu, khiến việc giữ ngày thứ nhất của tuần lễ đã bành trướng rộng rãi và sâu đậm trong các sinh hoạt xã hội loài người cho đến ngày hôm nay. Nhưng không phải là tất cả Cơ đốc nhân đều bỏ ngày Sa-bát mà đi theo truyền thống của loài người.
Vào thế kỷ thứ hai và thứ ba, chúng ta vẫn còn có những bằng cớ cho thấy những Cơ đốc nhân giữ ngày Sa-bát ở rải rác khắp trong lãnh thổ đế quốc La Mã. Những Cơ đốc nhân giữ ngày Sa bát sống trong những vùng như là Ai-cập, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Syria, Ý Ðại Lợi, Pháp, Hung Gia Lợi, và những nơi khác.
Dù bị đàn áp, bắt bớ, tiêu diệt, chúng ta vẫn có những bằng chứng cho thấy sự hiện diện của những tín hữu giữ ngày Sa-bát trong suốt lịch sử của Cơ đốc giáo.
Trong thời kỳ Cải Cách Tôn Giáo tại Âu Châu, những Cơ đốc nhân giữ ngày Sa-bát rất nhiều đến nỗi Giáo hội La Mã đã liệt kê nhóm nầy chỉ đứng đàng sau hai nhóm Lutherans và Calvinists mà thôi.
Những Cơ đốc nhân giữ ngày Sa-bát đã hiện diện tại các quốc gia như Ba Lan, Hoà Lan, Phần Lan, Ðức Quốc, Pháp Quốc, Hung Gia Lợi, Nga Sô, Thổ Nhĩ Kỳ, và Thụy Ðiển. Hội thánh Báp-tít An-thất-nhật (Seventh-day Baptist) trở thành hội thánh dẫn đầu về việc giữ ngày Sa-bát tại Anh Quốc vào thế kỷ thứ 17.
Hội thánh Báp-tít An-thất-nhật đầu tiên được thiết lập tại Hoa Kỳ vào tháng 12, 1671 tại Newport, Rhode Island. Vài tín hữu Báp-tít An-thất-nhật là động cơ để đem kiến thức về ngày Sa-bát đến với Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm An-thất-nhật.(22)
Lẽ thật luôn luôn là lẽ thật. Lẽ thật không thể nào bị tiêu diệt. Lẽ thật không thể nào bị thay đổi. Lẽ thật không tùy thuộc vào sự chấp nhận của đa số. Lẽ thật không tuỳ thuộc vào sự hưởng ứng của con người. Tuy âm thầm và lặng lẽ, nhưng lẽ thật vẫn sống. Vâng, một ngày kia tất cả chúng ta đều đứng trước lẽ thật, và tiêu chuẩn của sự phán xét mà chúng ta chịu sẽ là lẽ thật
Ghi Chú
- (1) Epistle of Barnabas, ch. 15 (Ante-Nicene Fathers [ANF], Vol. 1, trang 146,147).
- (2) Justin, First Apology, ch. 67, and Dialogue with the Jew Trypho, 24 [ANF], Vol. 1, trang 186.
- (3) Ibid, trang 206.
- (4) Socrates Scholasticus, Ecclesiastical History, Bk. 5, ch. 22. The Nicene and Post-Nicene Fathers [NPNF] 2nd Series, Vol. 2, trang 132.
- (5) Ðọc Dio Cassius, Roman History, lxviii.32 và lxix.12-14; và Eusebius, Ecclesiastical History, iv. 2.6.
- (6) S.R.E. Humbert, Adversus Graecorum Calumnias 6, PL 143, 937. Ðọc Samuele Bacchiocchi, From Sabbath to Sunday, The Pontifical Gregorian University Press 1977, trang 194,195.
- (7) Augustus Neander, History of the Christians’ Religion and Church During the Three First Century. Translated by Henry John Rose. London: J.G. F. & J. Rivington, 1842, Vol. 1, trang 336.
- (8)) Gaston H. Halsberghe, The Cult of Sol Invictus (Leiden, 1972), trang 26,44.
- (9) E. Kirschbaum, the Tomb of St. Peter and Paul (London, 1959),pp. 35,36; Bacchiocchi, From Sabbath to Sunday, trang 253,254.
- (10) Samuele Bacchiocchi, From Sabbath to Sunday, The Pontifical Gregorian University Press, 1977, trang 256-261.
- (11) Corpus Juris Civilis Code, lib. 3, tit. 12,3.
- (12) Charles J. Hefele, A History of the Councils of the Church, trans. Henry N. Oxenham, Edingburgh, 1896, Vol. 2, trang 316.
- (13) Mansi, Sacrorum Conciliorum, 9:19; John Nevins Andrews, History of the Sabbath and First Day of the Week, 2nd ed., trang 372.
- (14) Charles J. Hefele, A History of the Councils of the Church, trans. Henry N. Oxenham, Vol. 2 (Edinburgh, 1896) trang 407,422.
- (15) W. W. Hyde, Paganism to Christianity in the Roman empire, Philadelphia, 1946, trang 261.
- (16) John A. O’Brien, The Faith of Millions, Huntington, Ind.: Our Sunday Visitor, Inc., 1974, trang 137.
- (17) Peter Geiermann, The Convert’s Catechism of Catholic Doctrine, 1957 Edition, trang 50.
- (18) Ibid, trang 50.
- (19) Catholic Record, tháng 9 ngày 17, 1893.
- (20) Monsignor Segur, Plain talk about the Protestantism of Today, Thomas B. Nooman & Co., Boston, 1868, trang 213.
- (21) Catechism of the Catholic Church, Liguori Publications, Missouri, 1994, trang 524, Paragraph No. 2174,2775,2185.
- (22) Kenneth A. Strand, Editor, The Sabbath in Scripture and History, Review and Herald Publishing Association, Washington D.C., 1982.