Dường như ai trong chúng ta cũng thuộc điều răn nầy:
“Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.”
Và dường như chúng ta cũng quá quen thuộc để nghĩ rằng: “Ngày Nghỉ và Ngày Thánh” là ngày Chủ Nhật! Có đúng như vậy không?
Vậy xin hãy chịu khó đọc trọn điều răn Thứ Tư: Xuất Ê-díp-tô ký 20:8-11 chúng ta sẽ thấy “Ngày Nghỉ” không phải là ngày Chủ Nhật, mà là Ngày Thứ Bảy.
“Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Thiên Chúa ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.”
Thật lạ! Mỗi khi nghe một ai đó giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy thì chúng ta lập tức nhìn họ bằng ánh mắt khó chịu, xa lánh, thậm chí ghê sợ vì nghĩ rằng họ đang đi theo con đường tà giáo.
Sao vậy? Chỉ vì chúng ta đã quá quen thuộc với việc thờ phượng Chúa ngày Chủ Nhật. Bản thân chữ “Chủ Nhật” hay “Chúa Nhật” làm cho ta có cảm giác rằng đó mới chính là ngày của Chúa.
Lại nữa, có khi ta được dạy dỗ rằng hãy coi chừng những người giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, họ sẽ dụ dỗ ta cậy việc làm mà được xưng công bình!
Vậy thì, Ta đừng vội tiếp xúc với họ - những người giữ ngày Sa-bát - ta sẽ học Thánh Kinh để xem lẽ thật của Chúa về “Ngày Thờ Phượng” như thế nào. Nhưng trước hết hãy từ bỏ thành kiến đã ăn sâu trong tâm trí chúng ta, hãy để tư tưởng của mình thật sự rộng mở, hãy cầu nguyện để Thánh Linh Chúa dẫn chúng ta vào lẽ thật, giúp chúng ta tiếp nhận Lời Ngài một cách đúng đắn nhất.
Chúng ta ít quan tâm đến ngày nào thật sự là ngày thánh!
Từ lâu, theo thói quen thờ phượng Chúa vào ngày Chủ Nhật, chúng ta thường nghĩ rằng: “Ồ, ngày nào thờ phượng Chúa cũng được, không nên quá coi trọng một ngày nào, Chủ nhật là ngày thuận tiện nhất!”
Trong khi ý muốn của Đức Chúa Trời bày tỏ qua Thánh Kinh cho thấy rằng: Ngài rất quan tâm đến một ngày được biệt riêng để dân Chúa thờ phượng Ngài.
Chúa có thay đổi luật pháp của Ngài không?
“Đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được.” (Ma-thi-ơ 5:18)
Việc giữ MỘT NGÀY LÀM NGÀY NGHỈ và thánh, có nằm trong luật pháp “không thay đổi” ấy chăng? Xuất Ê-díp-tô ký 20: 3-17
Điều răn Thứ Tư trong luật pháp 10 điều răn quy định một NGÀY NGHỈ. (Xuất Ê-díp-tô ký 20:8-11)
Ngày Nghỉ ấy là ngày nào?
“Nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:10)
Ngày nghỉ ấy được ấn định từ lúc nào?
“Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm.” (Sáng Thế Ký 2:2)
Ngày nào trong tuần được ban phước và thánh hóa?
“Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh.” (Sáng Thế Ký 2:3)
Thế, tại sao chúng ta giữ ngày chủ nhật làm ngày nghỉ?
Giáo hội Công Giáo trả lời:
“Vì theo Giáo hội nghị Lao-đi-xê của Giáo hội Công giáo La-mã năm 336 SC. đã quyết định chuyển tính cách trang trọng của ngày thứ bảy qua ngày chủ nhật.” (Trích quyển “Những chuyển đổi Giáo lý Công giáo” của Linh mục Peter Geieimann, tr 50, tái bản lần II năm 1910.)
Thánh Kinh có báo trước về một thế lực của loài người sẽ thay đổi luật pháp không?
“Vua đó sẽ nói những lời phạm đến Đấng Rất Cao… định ý đổi những thời kỳ và luật pháp.” (Đa-ni-ên 7:25)
Chỉ có ai mới đủ thẩm quyền để thay đổi ngày nghỉ? Giáo hội hay các sứ đồ có thẩm quyền thêm, bớt, hoặc thay đổi ngày nghỉ của Chúa không?
“Con người làm chủ ngày Sa-bát.” (Mác 2:28)
(Con người: ‘the Son of Man’ – Chữ “Con Người” viết in hoa là Chúa Giê-su)
“Nếu ai thêm vào sách tiên tri này điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn… và kẻ nào bớt điều gì,… thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh…” (Khải huyền 22:18, 19)
Vậy, Chúa Cứu Thế có ý định thay đổi ngày nghỉ của Ngài không?
“Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát.” (Ma-thi-ơ 24:20)
(Chúa nói tiên tri về ngày tận thế, và đang nói về ngày Sa-bát thứ bảy. Như vậy trong ý định của Chúa: trước ngày tận thế, ngày Sa-bát vẫn là ngày thứ bảy, không có sự thay đổi nào.)
Chúa Cứu Thế giữ ngày nghỉ nào?
“Theo thói quen, nhằm ngày Sa-bát, Ngài vào nhà hội.” (Lu-ca 4:16)
Có thể sau khi Chúa sống lại, Ngài đã âm thầm truyền cho các sứ đồ mệnh lệnh thay đổi ngày nghỉ chăng?
“Phao-lô… theo thói quen mình, trong ba ngày Sa-bát…” (Công vụ 17:2)
*(Sau khi Chúa thăng thiên, nếu có sự thay đổi từ ngày Thứ Bảy qua ngày Thứ Nhất thì Phao-lô và các sứ đồ đã truyền cho Hội thánh rồi! – Rõ ràng không hề có sự thay đổi nào về * Ngày Thờ Phượng , nếu có, thì đó là một chấn động đối với thói quen giữ ngày Sa-bát của người Do Thái.)
Nếu giữ ngày chủ nhật là sai, thì sao đa số Giáo hội thờ Chúa đều giữ ngày chủ nhật? Chẳng lẽ đa số lại là sai, còn một ít người giữ ngày thứ bảy lại là đúng sao?
“Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.” Ma-thi-ơ 7:13, 14
Chúng ta đang đối diện với 3 câu hỏi dưới đây và cần tự trả lời với chính mình:
- Chủ nhật có phải là NGÀY NGHỈ và NGÀY THÁNH của Thiên Chúa không?
✅ Phải? 🚫 Không? - Giữ ngày Chủ nhật có phải là theo điều răn Chúa không?
✅ Phải? 🚫 Không? - Chúa Cứu Thế có muốn tôi giữ ngày Chủ nhật làm ngày thánh không?
✅ Phải? 🚫 Không?
Nếu dựa vào Thánh Kinh, chắc chắn câu trả lời của chúng ta sẽ là: 🚫 KHÔNG!
Hãy xác nhận:
- Ngày chủ nhật không phải là ngày thánh của Thiên Chúa.
- Ngày chủ nhật là ngày nghỉ do loài người đặt ra.
NGÀY CHỦ NHẬT LÀ NGÀY NGHỈ DO LOÀI NGƯỜI ĐẶT RA.
Đức Chúa Giê-su phán:
“Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời… Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra…” (Ma-thi-ơ 15:6, 9)
Những điều bàn đến trong tập nhỏ nầy:
1. Tại sao nhiều người thờ phượng Chúa vào ngày Chủ Nhật?
- Vào thế kỷ thứ III, Giáo hội Công Giáo đã thay đổi sự thờ phượng Chúa từ thứ bảy qua chủ nhật. Suốt gần 18 thế kỷ, có những giai đoạn quyền lực Giáo hội Công giáo lớn mạnh khắp thế giới, ngày chủ nhật đã trở thành ngày nghỉ của mọi người, mọi quốc gia, mọi chính thể xã hội.
- Các giáo hội Cải chánh tách rời khỏi Giáo hội Công giáo, nhưng vẫn thừa hưởng di sản ngày chủ nhật. Giáo hội Cải chánh cố gắng biện minh rằng Chúa đã thay đổi ngày thánh, trong khi Giáo hội Công giáo tự nhận họ đã thay đổi!
- Giữ ngày chủ nhật dễ hơn ngày thứ bảy, vì phù hợp với quy luật lao động của xã hội.
- Ma quỉ nỗ lực tấn công vào 2 điều trong số 10 điều răn của Đức Chúa Trời:
- Điều răn thứ tư là tiêu đích hấp dẫn nhất để ma quỉ tấn công. Sửa đổi điều răn là sự xúc phạm trực tiếp vào uy quyền của Thiên Chúa. Ma-quỉ bằng mọi cách, đã lừa dối người tin Chúa. Nó rất thỏa mãn khi nhìn thấy những kẻ theo Chúa đang vi phạm luật pháp của Ngài mà cứ tưởng rằng họ đang vâng lời Ngài.
2. Các lập-luận bênh vực cho việc giữ ngày Chủ Nhật
- Trong lịch sử, biết đâu đã có sự đảo lộn về chu kỳ tuần lễ, có thể ngày thứ bảy nguyên thủy nay đã là ngày chủ nhật hoặc là một ngày nào khác trong tuần!
Các bằng chứng sau đây cho thấy ngày thứ bảy hiện nay vẫn đúng theo chu kỳ bảy ngày của tuần lễ tạo thế. Chu kỳ ngày thứ bảy chưa bao giờ bị xáo trộn trong lịch sử thế giới.
- Dân Do Thái giữ ngày Sa-bát rất nghiêm khắc từ đời nầy qua đời kia.
- Chu kỳ tuần lễ là một điều rất đặc biệt. Tại sao tuần lễ không phải là 6 ngày hay 8 ngày, mà phải là 7 ngày? Chỉ có Thánh Kinh mới cho biết xuất xứ của tuần lễ 7 ngày. Tất cả các dân tộc trên thế giới đều áp dụng tuần lễ bảy ngày, dù đã có hai lần, tại Pháp (sau Cách mạng Pháp, 1793) và tại Nga (sau Cách mạng Nga, 1910) người ta cố gắng thay đổi tuần lễ còn 5, 6 ngày hoặc tăng lên 10 ngày. Nhưng cuối cùng họ đều thất bại, Pháp và Nga vẫn phải trở lại với tuần lễ 7 ngày.
- (Theo “Vì sao nên dùng Dương lịch” của Nguyễn Xiển, Nxb Phổ thông, 1977)
- Ngôn ngữ của khoảng 140 nước trên thế giới, gọi ngày thứ bảy là Sa-bát.
- Ngày nào cũng là ngày của Chúa, giữ ngày nào cũng được, không quan trọng!
Có thật là 7 ngày trong tuần đều có giá trị thiêng liêng bằng nhau không?
Ngay trong tuần lễ tạo thế, ngày thứ bảy đã được Đức Chúa Trời biệt riêng khỏi những ngày bình thường trong tuần lễ bằng 3 tính chất rất rõ ràng:
Nghỉ, Ban Phước, Đặt làm ngày thánh. (Sáng Thế Ký 2:2-3)
Vậy, thờ phượng Chúa những ngày khác với ngày Thứ Bảy, Chúa có hiện diện không?
Sự hiện diện của Chúa không lệ thuộc vào không gian và thời gian. Bất kỳ ngày nào, bất kỳ nơi nào “có hai ba người nhơn danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ.” Ma-thi-ơ 18:20
Tuy nhiên:
- Mọi ngày đều có thể thờ phượng Chúa, nhưng không phải mọi ngày đều là ngày nghỉ của Đức Giê-hô-va.
- Mọi ngày đều có thể thờ phượng Chúa, nhưng không phải mọi ngày đều được Đức Chúa Trời ban phước.
- Mọi ngày đều có thể thờ phượng Chúa, nhưng không phải mọi ngày đều là thánh.
Giữ ngày Thứ Bảy theo ý Chúa, chúng ta được nghỉ ngơi trong Đức Chúa Trời, được Ngài ban phước và được Ngài thánh hóa.
- Ngày Sa-bát của Cựu ước là Thứ Bảy
Ngày Sa-bát của Tân ước là Chủ nhật!
Tìm trong toàn bộ Thánh Kinh, không có ngày Sa-bát nào là của Cựu ước hay của Tân ước, mà chỉ có một ngày Sa-bát của Đức Giê-hô-va: đó là ngày thứ bảy (Xuất Ê-díp-tô ký 20:10) .
Nhiều người trưng dẫn Hê-bơ-rơ 4:3-10 để kết luận: Ngày thứ bảy đã bị bỏ, Chúa định một ngày khác gọi là “Ngày nay” (câu 7) và cho rằng “Ngày nay” là ngày chủ nhật!
Nhưng xin hãy xem nguyên văn câu 10 . *“Vì ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công việc mình, * cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy.”
- *Đức Chúa Trời chưa bao giờ nghỉ ngày thứ nhất trong tuần lễ. Chỉ có một lần Chúa nghỉ ngơi, đó là lúc kết thúc tuần lễ tạo thế
- (Sáng Thế Ký 2:2-3)
- và ngày nghỉ ấy không gì khác hơn là thứ bảy. **Không thể tìm thấy một nơi nào trong Thánh Kinh bảo rằng Đức Chúa Trời đã nghỉ ngày thứ nhất! Thế thì
- “nghỉ cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ”
- sao lại có thể là nghỉ chủ nhật?
Thiên Chúa ngạc nhiên biết bao khi những kẻ đang cầm Thánh Kinh giảng dạy rằng: “Hãy nhớ ngày nghỉ! Hãy nghỉ công việc như Đức Chúa Trời đã nghỉ!”… lại thờ phượng Chúa vào ngày thứ nhất - một ngày mà xưa kia Chúa đã làm việc chứ không hề nghỉ ngơi!
- Phép Cắt bì được thay bằng Phép Báp têm. Lễ Vượt Qua được thay bằng Lễ Tiệc Thánh. Vậy, Ngày Sa-bát Thứ bảy chấm dứt, thay bằng Ngày Chủ nhật Phục sinh!
Có những lý do chính đáng để chấm dứt Phép Cắt bì và Lễ Vượt qua:
Báp-têm hoàn hảo hơn Phép Cắt bì:
- Mọi người, nam hay nữ, đều được cứu trong Chúa Cứu Thế. (Cắt bì chỉ dành cho nam)
- Hình thức dìm mình xuống nước thể hiện được ý nghĩa của sự kiện cùng chết, cùng chôn và cùng sống lại với Chúa Cứu Thế.
Tiệc Thánh hoàn hảo hơn Lễ Vượt Qua:
- Con sinh tế thật là Chúa Cứu Thế đã chết.
- Hình thức của bánh và nước nho tiêu biểu chính xác cho ý nghĩa của thân và huyết Chúa đã hy sinh cho con người.
Nhưng ngày thứ nhất phục sinh không thể hoàn hảo hơn ngày Sa-bát thứ bảy:
Dù ý nghĩa của sự kiện Chúa phục sinh là rất quan trọng, nhưng chẳng phải vì thế mà dùng ngày phục sinh để thay thế cho ngày Sa-bát.
Giữa ý nghĩa phục sinh và ngày phục sinh không có mối ràng buộc nào cả, nghĩa là không phải vì tính chất quan trọng của sự kiện phục sinh mà phải giữ ngày phục sinh.
Thánh Kinh có truyền giữ ngày phục sinh không? Các sứ đồ có truyền giữ ngày Chúa phục sinh thay cho ngày Sa-bát không?
Trả lời: Không tìm thấy trong Thánh Kinh
Nghi lễ nào kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Cứu Thế?
“Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.” (Rô-ma 6:4)
Mệnh lệnh chấm dứt phép cắt bì thay bằng phép báp têm đã được công bố một cách rõ ràng:
“Anh em đã bởi phép báp têm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời.” (Cô-lô-se 2:12)
Mệnh lệnh chấm dứt Lễ Vượt qua thay bằng Lễ Tiệc thánh đã được công bố một cách rõ ràng:
“Hãy làm điều nầy để nhớ ta.” (I Cô 11:24, 25)
Nhưng, mệnh lệnh chấm dứt ngày Sa-bát thay bằng ngày Chủ nhật Phục sinh: KHÔNG CÓ!
3. Các lập luận lên án việc giữ ngày Sa-bát thứ bảy
Giữ ngày thứ Bảy là theo Cựu ước (Giao ước cũ) , và sống dưới luật pháp của văn tự, nô lệ cho luật pháp!
Trong Giao ước cũ không có sự xuất hiện của dân ngoại, nhưng trong Ê-sai 56:6 Chúa truyền cho dân ngoại dưới giao ước mới vẫn phải giữ ngày Sa-bát:
“Các người dân ngoại về cùng Thiên Chúa, đặng hầu việc Ngài, đặng yêu mến danh Thiên Chúa, đặng làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi làm ô-uế, và cầm vững lời giao ước ta.”
Nhiều người tưởng rằng dưới Giao ước cũ là giữ luật pháp , còn dưới Giao ước mới là bỏ luật pháp . Nhưng xin lưu ý:
- Giao ước cũ
- : 10 điều răn bằng văn tự.
- Giao ước mới
- : Cũng là nội dung luật pháp ấy nhưng được Chúa chép vào lòng.
“Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta.” (Giê-rê-mi 31:33)
- Giao ước cũ
- : Giữ luật pháp bằng sức riêng.
- Giao ước mới
- : Cũng giữ luật pháp ấy nhưng bằng sức của Thánh Linh.
“Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lịnh ta và làm theo.” (Ê-xê-chi-ên 36:27)
Câu Thánh Kinh trên cho thấy dưới giao ước cũ hay mới, cũng chỉ có một luật pháp là 10 điều răn mà thôi. Không có sự thay đổi, hay bỏ bớt một điều răn nào. Khi loài người không thể tự làm trọn luật pháp, Chúa ban Thánh Linh để giúp người làm trọn! Khác với lý luận cho rằng: vì loài người không làm nổi, nên Đức Chúa Trời thay đổi những luật lệ của Ngài!
Đức Chúa Trời vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn của luật pháp Ngài, nhưng chúng ta sẽ thực hiện trong năng lực của Thánh Linh. Những gì chúng ta không làm nổi thì ân điển Chúa bù đắp cho. Chứ không phải vì loài người không làm nổi thì Chúa thay đổi luật pháp Ngài.
Hơn nữa, nếu nói trong giao ước mới không cần giữ luật pháp của giao ước cũ, vậy tại sao chúng ta vẫn giữ 9 điều kia mà chỉ bỏ mỗi điều thứ Tư về ngày Sa-bát? Cho nên, giữ điều răn thứ tư không phải là theo Cựu ước.
Giữ ngày thứ bảy là cậy việc làm để được cứu, giống như người Pha-ri-si!
Chúng ta cần lưu ý sự dạy dỗ của Chúa Giê-su về người Pha-ri-si. Ngài đề cao sự tuân giữ luật pháp của họ, Ngài bảo chúng ta phải giữ luật pháp như họ, nhưng phải giữ bằng tấm lòng chứ không phải giữ bề ngoài.
“Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn.” (Ma-thi-ơ 19:17)
Chúng ta được cứu bởi ân điển và đức tin, không phải bởi việc làm:
“Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.” (Ê-phê-sô 2:8, 9)
Vậy, hiện nay, những ai đã cậy ân điển bởi đức tin, đều đã được cứu. Khi đã được cứu, chúng ta phải cậy Thánh Linh để sống công bình theo sự đòi hỏi của luật pháp. Người đã được cứu có thể tham lam, giết người, bất hiếu chăng? Vậy, người đã được cứu phải giữ ngày thứ bảy làm ngày thánh!
Giữ ngày thứ bảy vì đã được cứu chứ không phải là để được cứu.
“Vậy thì làm sao! Vì chúng ta không thuộc dưới luật pháp, nhưng thuộc dưới ân điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy!" (Rô-ma 6:15)
Giữ ngày thứ Bảy rất khó rao giảng về Chúa Cứu Thế!
Không thể vì muốn người khác được cứu mà phải hy sinh điều răn. Hy sinh điều răn như thế, trước nhất chúng ta là kẻ không được cứu vì đã phạm luật pháp.
“Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại? Ma-thi-ơ 16:26.
“E rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.” (1 Cô-rinh-tô 9:27)
Trong khi loài người chết mất vì vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, nay chúng ta lại chấp nhận vi phạm luật pháp để cứu vớt họ, thì làm sao cứu được? Đức Chúa Trời không cho phép dùng một phương tiện phạm tội để làm cho nhiều người tin Chúa. Không thể bỏ điều răn vì muốn nhiều người được cứu!
“Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp.” (1 Giăng 3:4)
Luật pháp bao gồm cả điều răn thứ tư về việc giữ ngày thứ bảy. Không giữ ngày thứ bảy là trái luật pháp, là phạm tội.
Chúa chết thay loài người là để chúng ta không cần giữ Mười Điều Răn nữa?
Nếu có thể thay đổi hay hủy bỏ luật pháp Mười Điều Răn, thì Chúa Cứu Thế đã không cần phải chết trên thập tự. Chính vì bảo tồn luật pháp như là sự bảo tồn uy danh công bình của Đức Chúa Trời, nên Ngài phải chịu chết.
“Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.” (Ma-thi-ơ 5:17)
Ma quỉ chế nhạo rằng Đức Chúa Trời đã thiết lập một bảng luật pháp mà những kẻ theo Ngài không thể giữ nổi. Nó cũng chế nhạo rằng những kẻ theo Ngài mà không thể làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nên Đức Chúa Trời muốn chứng minh cho cả vũ trụ hiểu rằng: Chúa Giê-su trong hình hài và sức mạnh bình thường của một con người, vẫn có thể tuân giữ điều răn của Đức Chúa Trời.
Như vậy, nếu sau khi Chúa Giê-su chịu chết mà luật pháp bị hủy bỏ thì còn gì vô lý hơn? Chính bởi sự chết của Chúa, chúng ta được thêm sức mạnh của ân điển, để bước đi trên luật pháp, tuân giữ luật pháp bằng sức mạnh của thập tự giá. Chẳng lẽ khi Chúa chết cho bạn rồi thì bạn không cần phải hiếu kính cha mẹ? Được trộm cắp? Được nói dối sao?
Các điều răn khác được tái xác nhận ở Thánh Kinh Tân ước, trong khi điều răn thứ tư về ngày Sa-bát thì không!
Vào thời Chúa Giê-su và các sứ đồ chưa xuất hiện sự tranh cãi về ngày thờ phượng Chúa, cũng chưa có việc thờ phượng Chúa ngày chủ nhật. Vì thế, Thánh Kinh Tân ước nhấn mạnh sự tuân giữ cả Mười Điều Răn, không nhấn mạnh riêng lẻ một điều răn nào. Khi nói về luật pháp thì trong đó hẳn nhiên bao gồm cả điều răn thứ tư.
Dầu vậy Tân ước đã tái xác nhận tính cách thiêng liêng của Điều Răn Thứ Tư qua các điều sau đây:
- Chính Chúa Giê-su giữ ngày Sa-bát.
- Các môn đồ giữ ngày Sa-bát.
- Sứ đồ Phao-lô giữ ngày Sa-bát.
Đặc biệt trong Tân ước, Hê-bơ-rơ chương 4 tái xác nhận việc giữ ngày thứ bảy khi liên kết sự nghỉ ngơi thuộc thể và sự yên nghỉ thiêng liêng:
“Dầu vậy, công việc của Ngài đã xong rồi từ buổi sáng thế. Vì luận về ngày thứ bảy, có chép rằng: Ngày thứ bảy Đức Chúa Trời nghỉ cả các công việc Ngài.… Vì ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy.” (Hê-bơ-rơ 4:3, 4, 10)
4. Chủ nhật là ngày nào và thứ bảy là ngày nào?
Chủ nhật : Là ngày đầu tuần lễ, Thánh Kinh gọi là Ngày Thứ Nhất. Theo chu kỳ, đó là ngày tiếp theo sau ngày thứ 7.
Thứ Bảy : Là ngày cuối tuần lễ, sau ngày thứ sáu và trước ngày thứ nhất.
Qua sự kiện Chúa chết, chúng ta thấy thứ tự ngày trong tuần mà các môn đồ đã giữ:
Luca 23: 54: “Bấy giờ là ngày sắm sửa, và ngày Sa-bát gần tới.”
Luca 23:56: “Ngày Sa-bát, họ nghỉ ngơi theo luật lệ.”
Luca 24:1: “Ngày thứ nhất trong tuần lễ, khi mờ sáng, các người đàn bà ấy lấy thuốc thơm đã sửa soạn đem đến mồ Ngài.”
| Thứ Sáu | Thứ Bảy | Thứ Nhất |
| Ngày sắm sửa | Ngày Sa-bát | Ngày lao động đầu tuần |
| Sắm sửa thuốc thơm và sáp thơm | Nghỉ ngơi theo luật lệ | Bắt đầu làm việc |
Phép lạ nào thực hiện cho dân Y-sơ-ra-ên, đã được lặp lại trong một thời gian dài, liên tục suốt 40 năm?
Theo Xuất Ê-díp-tô ký 16:16-36, đó là phép lạ ban bánh ma-na từ trời.
Chúng ta lưu ý một vài điểm liên quan:
- Chúa muốn dùng phép lạ nầy để liên kết giữa sự sống thuộc thể: lương thực, và sự sống thuộc linh: thờ phượng Chúa ngày thứ bảy. Lãng quên sự sống thuộc linh thì không nhận được sự sống thuộc thể.
- Dân sự Chúa không thể quên được thứ tự của ngày thứ bảy, vì nếu quên thì thứ bảy không có lương thực để ăn.
- Bánh ma-na rơi suốt 40 năm. Hãy tính nhẩm xem 52 tuần x 40 năm = 2.080 tuần, có 2.080 ngày thứ bảy, nghĩa là 2.080 lần Chúa nhắc nhở một cách đặc biệt!
- Ngài muốn dân sự của Chúa không bao giờ được quên ngày Thứ bảy.
- Trong 10 điều răn, chỉ có điều răn thứ tư Chúa bắt đầu bằng chữ: “HÃY NHỚ”-
- Bánh ngày thường để dành thì bị hư thối. Bánh ngày thứ sáu để dành cho thứ bảy thì vẫn tốt. Vậy, qua ngày Sa-bát, những phước hạnh đặc biệt đến với dân sự Chúa.
- Sự tích lũy của cải mà không vâng lời Chúa thì sẽ bị hư hoại. Vâng lời Chúa giữ ngày Sa-bát trong sự tin cậy, Ngài sẽ ban phước về vật chất.
5. Một số lý do chính đáng để giữ ngày thứ bảy làm ngày thánh
Vì đó là ngày kỷ niệm công trình tạo thế. Giữ ngày thứ bảy là công nhận Đức Chúa Trời dựng nên thế gian:
“Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.” (Sáng Thế Ký 2:2-3)
“… Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến; hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời đất, biển và các suối nước.” (Khải Huyền 14:7)
Vì ngày Sa-bát thứ bảy được ban hành ngay trong tuần lễ tạo thế và sau đó gần 2.500 năm mới hệ thống hóa trong luật pháp Mười Điều Răn.
Mười Điều Răn bằng văn tự được ban hành cho Môi-se tại Si-nai, (Xuất Ê-díp-tô ký 31:18) trong khi ngày Sa-bát thứ bảy đã được ban hành cho A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen, trước khi phạm tội. (Sáng Thế Ký 2:2-3)
Vì ngày nghỉ thứ bảy được đưa vào 10 điều răn do chính ngón tay Chúa viết trên bảng đá, chính tiếng Chúa phán trong ngày ban hành.
“Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:8-11)
Nghiên cứu kỹ điều răn thứ tư, chúng ta thấy Đức Chúa Trời truyền phán rất chi tiết về cách tuân giữ. Đặc biệt nêu rõ lý do giữ ngày thứ bảy là để thừa nhận quyền Tạo hóa của Ngài. Ở đây cũng nhấn mạnh lại 3 yếu tố đã khiến ngày thứ bảy đặc biệt hơn những ngày thường.
“Từ trong lửa, Đức Giê-hô-va phán cùng các ngươi; các ngươi nghe một tiếng nói, nhưng không thấy một hình trạng nào; chỉ nghe một tiếng mà thôi. Ngài rao truyền cho các ngươi biết sự giao ước của Ngài, tức là Mười Điều Răn, khiến các ngươi gìn giữ lấy, và Ngài chép Mười Điều Răn ấy trên hai bảng đá.” (Phục Truyền 4:12, 13)
Vì điều răn là thánh, công bình và tốt lành như bản chất Đức Chúa Trời là thánh và công bình:
“Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành.” (Rô-ma 7:12)
Mười Điều Răn là một khối thống nhất trọn vẹn. Cả mười điều đều có tính vĩnh cửu như nhau. Nếu phạm ngày Sa-bát, cũng đồng tội như phạm bất hiếu, giết người, tham lam…
“Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy**. Vả, Đấng đã phán rằng: Chớ phạm tội tà dâm, cũng có phán rằng: Chớ giết người. Vậy, nếu ngươi không phạm tội tà dâm, nhưng phạm tội giết người, thì ngươi là kẻ phạm luật pháp.” (Gia-cơ 2:10, 11)
Vì đó là ngày được phước hạnh đặc biệt:
“Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sa-bát, không làm vừa ý mình trong ngày thánh của ta; nếu ngươi xưng ngày Sa-bát là vui thích, coi ngày thánh của Đức Giê-hô-va là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình, bấy giờ ngươi sẽ lấy Đức Giê-hô-va làm vui thích, ta sẽ làm cho ngươi cỡi lên các nơi cao trên đất, và lấy sản nghiệp của Gia-cốp, tổ phụ ngươi, mà nuôi ngươi; vì miệng Đức Giê-hô-va đã phán vậy.” (Ê-sai 58:13-14)
Vì qua việc giữ ngày Sa-bát mà giáo hữu được nên thánh:
“Các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va, đặng hầu việc Ngài, đặng yêu mến danh Đức Giê-hô-va, đặng làm tôi tớ Ngài: tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi làm ô-uế, và cầm giữ lời giao ước ta, thì ta sẽ đem họ lên trên núi thánh ta…” (Ê-sai 56:6, 7)
Vì đó là dấu hiệu để Đức Chúa Trời nhìn nhận dân thánh của Ngài:
“Ta cũng cho chúng nó những ngày Sa-bát ta làm một dấu giữa ta và chúng nó, đặng chúng nó biết rằng ta là Đức Giê-hô-va biệt chúng nó ra thánh.” (Ê-xê-chi-ên 20:12)
Vì đó là dấu hiệu bày tỏ chúng ta thừa nhận chủ quyền của Đức Chúa Trời trong đời sống mình:
“Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, hãy noi theo luật lệ ta, vâng giữ mạng lịnh ta và làm theo. Hãy biệt những ngày sa-bát ta ra thánh, nó sẽ làm dấu giữa ta và các ngươi, hầu cho các ngươi biết rằng ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi.” (Ê-xê-chi-ên 20:19, 20)
Vì Chúa Giê-su đã giữ ngày Sa-bát thứ bảy, và Ngài không bao giờ thay đổi thói quen đó:
“Theo thói quen, nhằm ngày Sa-bát, Ngài vào nhà hội…” (Luca 4:16)
“Đức Chúa Giê-su-Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.” (Hê-bơ-rơ 13:8)
Vì đó là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Ngài tỏ ra nghiêm khắc với việc vi phạm ngày thứ bảy.
“Nhứt là các ngươi hãy giữ ngày sa-bát ta, vì là một dấu giữa ta và các ngươi, trải mọi đời, để thiên hạ biết rằng ta, là Đức Giê-hô-va, làm cho các ngươi nên thánh. Vậy, hãy giữ ngày sa-bát, vì là một ngày thánh cho các ngươi. Kẻ nào phạm đến ngày đó, phải bị xử tử; kẻ nào làm một việc chi trong ngày đó, cũng sẽ bị truất khỏi vòng dân sự.” (Xuất Ê-díp-tô ký 31:13)
Thiên Chúa là Đấng yêu thương, một sinh mạng vô cùng quí trọng trước mặt Ngài. Khi Áp-ra-ham xin Chúa tha cho thành Sô-đôm, (Sáng Thế Ký 18:16-33) khi Giô-na giận vì Chúa không diệt thành Ni-ni-ve, (Giô-na 4:10, 11) chúng ta thấy được lòng yêu của Ngài đối với sinh mạng con người là thế nào.
Ấy thế mà Ngài lại ra lệnh xử tử kẻ vi phạm ngày thứ bảy! Đồng mức án cao nhất với việc phạm tội bất hiếu, giết người, tà dâm, trộm cướp…
Không thể kết luận điều gì khác hơn là Đức Chúa Trời xem ngày Sa-bát thứ bảy vô cùng quan trọng, đây là một thách thức về lòng vâng phục của chúng ta đối với Ngài.
Vì vi phạm ngày sa-bát là lý do để Đức Chúa Trời thạnh nộ:
“Về lúc đó, tôi thấy trong Giu-đa, mấy người ép nho… nhằm ngày Sa-bát, đem bó lúa mình vào, chở nó trên lừa… mà đem về… trong ngày Sa-bát.… Cũng có người Ty-rơ… đem cá và các thứ hàng hóa đến bán cho người Giu-đa… trong ngày Sa-bát. Bấy giờ tôi quở trách các người tước vị Giu-đa, mà rằng: Việc xấu xa các ngươi làm đây là chi, mà làm cho ô uế ngày Sa-bát? Tổ phụ các ngươi há chẳng đã làm như vậy sao? Nên nỗi Đức Chúa Trời há chẳng có dẫn tai họa kia đến trên chúng ta và trên thành nầy ư? Còn các ngươi làm ô uế ngày Sa-bát mà tăng thêm cơn thạnh nộ cho Y-sơ-ra-ên!”* Nê-hê-mi 13:15-18
Hãy suy nghĩ xem nếu Đức Chúa Trời là Đấng không hề thay đổi, ngày xưa quá nghiêm khắc với việc vi phạm ngày Sa-bát, thì nay sao có thể dễ dàng chấp nhận cho dân Chúa vi phạm ngày ấy được!
- Vì Chúa truyền: cho đến khi vào nước thiên đàng vẫn còn giữ ngày Sa-bát thứ bảy.
“Đức Giê-hô-va phán rằng:… từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác thịt sẽ đến thờ lạy trước mặt ta.”* Ê-sai 66:23
(Chú ý: Đây là Lời tiên tri về sự vinh hiển của Giê-ru-sa-lem mới, nghĩa là trong nước thiên đàng vẫn giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy)
Vì ngày Sa-bát là món quà Chúa dành cho dân sự Ngài:
“Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người.” (Mác 2:27)
Vì những kẻ yêu mến Đức Chúa Trời đều giữ ngày Sa-bát của Mười Điều Răn:
“Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.” Giăng 14:15
“Vì nầy là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.”* I Giăng 5:3
Vì giữ điều răn Đức Chúa Trời thì ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta.
“Ai vâng giữ các điều răn Ngài thì ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy…” (1 Giăng 3:24)
6. Chữ “Sa-bát" có nghĩa là gì? Có bao nhiêu loại ngày Sa-bát?
Sa-bát (Cổ ngữ Hê-bơ-rơ: Shabbath) nghĩa là ngừng, đã xong, chấm dứt.
Hằng năm, có những ngày lễ của người Do Thái được gọi là ngày “Sa-bát”- không phải là Sa-bát hằng tuần. Nghĩa là, có ngày Sa-bát thứ bảy và có những ngày “Sa-bát” rơi vào ngày thường trong tuần.
Đơn cử trong Lê-vi-ký 23:23-32 Nói đến ngày mồng 10 tháng 7, lễ Chuộc tội. Đó là ngày lễ Sa-bát (23:32) - nhưng ngày ấy có thể rơi vào thứ hai, thứ ba, hoặc thứ sáu trong tuần… Những lúc như thế, trong tuần lễ đó, người Do Thái vừa phải giữ ngày Sa-bát hằng tuần theo điều răn và vừa phải giữ ngày Sa-bát mồng 10 tháng 7 theo luật lễ nghi. Dĩ nhiên sẽ có những năm, ngày mồng 10 tháng 7 rơi đúng vào ngày thứ bảy hằng tuần. Vậy, có 2 loại ngày Sa-bát:
- Sa-bát hằng tuần
- (Lê-vi-ký 23:3)
- Sa-bát lễ nghi
- (Lê-vi-ký 23:4-44)
Tất cả những ngày lễ Sa-bát hằng năm đều là ngày Sa-bát lễ nghi, hình bóng cho sự hy sinh của Chúa Cứu Thế, những ngày Sa-bát ấy bị “đóng đinh trên thập tự giá” (Cô-lô-se 2:16, 17) và không còn giá trị đối với Cơ-Đốc nhân.
Trong khi ngày Sa-bát thứ bảy hằng tuần là một phần của bản luật pháp luân lý 10 điều răn, bất di bất dịch, là nền tảng cho sự phán xét của Đức Chúa Trời.
“Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến đỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy.” (Truyền đạo 12:13, 14)
“Đây tỏ ra sự nhịn nhục của các thánh đồ; chúng * giữ điều răn của Đức Chúa Trời * và giữ lòng tin Đức Chúa Giê-su.” Khải huyền 14:12
7. Những câu Thánh Kinh liên quan đến ngày thứ nhất trong tuần lễ
Thánh Kinh Tân ước chỉ có 8 câu liên quan đến ngày thứ nhất của tuần lễ, những câu nầy không hề có bóng dáng của lệnh truyền phải giữ như là ngày thánh, hoặc thay thế cho ngày Sa-bát thứ bảy, hoặc phải nghỉ ngơi.
- Ma-thi-ơ 28:1 – Các phụ nữ thăm mộ.
- Mác 16: 2 – Các phụ nữ đến thăm mộ định xức thuốc thơm cho xác Chúa.
- Lu-ca 24:1 – Các phụ nữ đến thăm mộ
- Mác 16:9 – Chúa sống lại, hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len.
- Giăng 20:1* Chúa sống lại, hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len.
- Giăng 20:19 – Các môn đồ họp lại vì sợ người Giu-đa, nên đóng các cửa, chứ không phải để thờ phượng Chúa, bởi vì họ chưa tin Chúa đã sống lại.** *(Luca 24:9-11)
- Công vụ 20:7 – Đây là một buổi nhóm bất thường vào ban đêm, vì lý do chia tay.** Họ nhóm suốt đêm thứ bảy, chứ không phải là nhóm sáng chủ nhật, nửa đêm Ơ-tích ngủ gục té lầu. “
- Phao-lô phải đi ngày mai,”
- nghĩa là đi vào sáng chủ nhật. Theo cách tính của Thánh Kinh, đêm đến trước, ngày đến sau. Nghĩa là sau khi mặt trời lặn chiều thứ bảy thì ngay buổi tối đó bắt đầu gọi là “ngày thứ nhất trong tuần lễ” - Mặt trời lặn chiều thứ sáu đã bắt đầu ngày Sa-bát.
- I Cô-rinh-tô 16:2 – Phao-lô không có ý kêu gọi nhóm họp thờ phượng, mà chỉ kêu gọi chuẩn bị sẵn số tiền tự nguyện bố thí để tại nhà riêng. Vả lại, ông sẽ đến từng nhà để nhận số tiền chứ không phải họp nhau tại nhà hội hay nơi thờ phượng công cộng. Ngày Sa-bát đã qua, ngày thứ nhất thuận tiện để tính toán tiền bạc và sổ sách, không có ý tưởng nào xem đây là ngày thánh để thờ phượng Chúa.
Đó là tất cả nền tảng mỏng manh cho sự bênh vực quan điểm xem chủ nhật là ngày thánh! Đối đầu với hằng loạt những câu Thánh Kinh mà Đức Chúa Trời đã khẳng định về tính chất thánh khiết của ngày Sa-bát thứ bảy, thì 8 câu Thánh Kinh trên đây thật vô cùng bấp bênh.
Tuy nhiên một thực tế không thể phủ nhận, là quyền lực của sự tối tăm đã lừa dối cả thế giới để lãng quên ngày thánh bất biến mà Đức Chúa Trời đã ấn định.
8. Những câu Thánh Kinh và những câu chuyện dễ bị hiểu sai về ngày Sa-bát
“Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em mình về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:16, 17)
Như đã luận ở chương 6 về hai loại ngày Sa-bát, chúng ta dễ dàng thông hiểu câu Thánh Kinh trên muốn nói đến những ngày Sa-bát lễ nghi trong năm, vì đó là bóng của những việc sẽ đến.
Phao-lô có ý khuyên các tín đồ đừng đoán xét một số Cơ Đốc nhân vẫn còn giữ các nghi lễ Do-thái, dần dần họ cũng sẽ nhận ra “hình ở trong Đấng Christ” và sẽ thấy không còn cần thiết để giữ nữa, không nên lấy đó làm đề tài tranh cãi hay định tội nhau.
Thật vội vã nếu cho rằng Phao-lô có ý nói đến ngày Sa-bát hằng tuần. Ngày Sa-bát hằng tuần không phải là hình bóng trong sự chết của Chúa Cứu Thế, vì đó là kỷ niệm công cuộc sáng tạo, là sự thừa nhận Đấng Tạo Hóa. Ngày Sa-bát thứ bảy là một trong mười điều căn bản để định tội loài người, Phao-lô không thể nào bảo rằng: “chớ có ai đoán xét anh em mình về Mười Điều Răn!”
“Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau. Ai nấy hãy tin chắc ở trí mình.” (Rô-ma 14:5)
Cả đoạn Thánh Kinh nầy không hề bàn bạc đến ngày Sa-bát, mà chỉ nói chung đến mối quan tâm về ngày tháng. Tựu trung lại, tại Rô-ma đang có một sự tranh luận về ngày kiêng ăn. Theo truyền thống, sự kiêng ăn phải được tổ chức vào đúng những ngày quy định và mỗi tuần hai lần (Luca 18:12) . Song có một số người kiêng ăn không đúng ngày hoặc không đủ ngày theo truyền thống, nên đã xảy ra mâu thuẫn. Phao-lô đã khuyên giải họ như sau:
“Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ.” (Rô-ma 14:1)
“Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 14:6)
Người muốn nói rằng, những vấn đề ấy không liên quan đến sự cứu rỗi, không có gì quan trọng để phải tranh cãi cho mất tình yêu thương. Tùy theo lượng đức tin; quyết định ăn chay hay ăn mặn; kiêng ăn hay không; kiêng ăn đúng ngày hay không đúng; đủ ngày hay không đủ… tất cả cứ làm theo ý mình, miễn phải nhớ rằng:
“mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời.” Rô-ma 14:12
Ma-thi-ơ 12:1-5, 8 – Môn đồ bứt bông lúa mì ngày Sa-bát:
“Lúc đó, nhằm ngày Sa-bát, Đức Chúa Giê-su đi qua giữa đồng lúa mì; các môn đồ đói, bứt bông lúa mà ăn. Người Pha-ri-si thấy vậy, bèn nói cùng Ngài rằng: Kìa, môn đồ thầy làm điều không nên làm trong ngày Sa-bát. Song Ngài đáp rằng: Chuyện vua Đa-vít đã làm trong khi vua với kẻ đi theo bị đói, các ngươi há chưa đọc đến sao? Tức là vua vào đền Đức Chúa Trời, ăn bánh bày ra, là bánh mà vua và kẻ đi theo không có phép ăn, chỉ để riêng cho các thầy tế lễ. Hay là các ngươi không đọc trong sách luật, đến ngày Sa-bát, các thầy tế lễ trong đền thờ phạm luật ngày đó, mà không phải tội sao?… Vì Con người là Chúa ngày Sa-bát.” (Ma-thi-ơ 12:10-12)
Chúa chữa người teo tay ngày Sa-bát:
“Có kẻ hỏi Ngài rằng: trong ngày Sa-bát, có phép chữa kẻ bệnh hay không? Ấy là họ có ý kiếm dịp kiện Ngài. Ngài bèn phán cùng họ rằng: Ai trong vòng các ngươi có một con chiên, nếu đương ngày Sa-bát, bị té xuống hầm, thì há không kéo nó lên sao? Huống chi người ta trọng hơn con chiên là dường nào! Vậy, trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành.”
Người ta thường dùng 2 câu chuyện trên đây để cho rằng chính Chúa Giê-su đã công kích ngày Sa-bát thứ bảy. Vậy, xin hãy cùng suy nghĩ các vấn đề sau đây:
- Chúa đả phá ngày Sa-bát hay đả phá cách giữ ngày Sa-bát của người Pha-ri-si?
- Ngày Sa-bát được lập vì hạnh phúc của con người hay cướp đi hạnh phúc của họ?
- Nếu ngày nào vua Đa-vít cũng đòi ăn bánh thánh trong đền thờ, liệu có được đáp ứng không?
- Cứu người có phải là “các công việc của mình trong sáu ngày” không?
- Nếu tuần nào cũng vậy, cứ đúng vào thứ bảy thì con chiên té xuống hầm, thử nghĩ Chúa sẽ để nó sống chăng?
- Những quy định về cách giữ ngày Sa-bát đương thời của Chúa Giê-su là do Đức Chúa Trời phán truyền hay do người ta đặt thêm?
Qua 2 câu chuyện nầy, chúng ta có thể kết luận rằng: Chúa đả phá cách giữ ngày Sa-bát chứ không phải đả phá ngày Sa-bát.
Chúa Giê-su kết luận trong Ma-thi-ơ 12:8:
“Vì Con người là Chúa ngày Sa-bát.”
Chẳng thể nào Chúa lại phá bỏ một ngày do chính Ngài là tác giả! Chúa giữ ngày Sa-bát một cách nghiêm túc, nhưng không giữ theo cách của người Pha-ri-si. Ngài làm cho trọn vẹn điều răn thứ tư bằng sự thể hiện tình thương chứ không phải là sự khắt khe bề ngoài.
9. Đôi điều rút ra từ những chuyện tích
Áp-ra-ham và Ích ma-ên (Sáng Thế Ký 21, 22)
Chúa muốn ban cho Áp-ra-ham một con trai lúc tuổi già. Thấy vợ mình không còn khả năng, Áp-ra-ham chấp nhận một phương cách khác: lấy A-ga và sanh ra Ích-ma-ên. Đức Chúa Trời có thừa nhận Ích-ma-ên không? Sáng Thế Ký 22:2: “Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác.” Ngài không bao giờ xem Ích-ma-ên là con của Áp-ra-ham! Đối với Chúa, người chỉ có một đứa con, đứa con trong chương trình của Ngài.
Con người thường muốn thay đổi mệnh lệnh của Chúa sao cho phù hợp với hoàn cảnh, để được cả đôi đàng: vừa đẹp lòng Chúa, vừa dễ dàng thực hiện! Ngày chủ nhật là một đứa con đã được sanh ra như vậy - là một Ích-ma-ên!
Nếu Chúa không thừa nhận Ích-ma-ên thế nào, thì Ngài cũng không thừa nhận ngày chủ nhật như thế. Đối với Ngài, dù khó khăn bao nhiêu, cũng chỉ một mình Y-sác mà thôi. Dù trái ngược và có vẻ “kỳ quặc” bao nhiêu, cũng chỉ một ngày Sa-bát thứ bảy mà thôi.
Mọi sự thay đổi ý chỉ và phương cách của Chúa đều là sự bất kính và xúc phạm trực tiếp vào Ngài. Dòng dõi Ích-ma-ên đã trở thành một hiểm họa cho nhà Y-sơ-ra-ên thế nào, thì áp lực của ngày chủ nhật cũng vây hãm những người trung tín với điều răn như thế.
Na-đáp và A-bi-hu (Lê-vi ký 10: 1-7)
Có rất nhiều công việc cho lễ nghi của đền thánh ngày xưa, trong đó, Chúa quy định việc xông hương phải dùng bằng loại lửa riêng. Thầy tế lễ Na-đáp và A-bi-hu am hiểu điều đó, nhưng đã cố tình dâng hương bằng một thứ lửa lạ, Chúa giết chết họ ngay lập tức trong nơi thánh.
Nhiều người cho rằng: Có thể thờ phượng Chúa theo cách nào cũng được, ngày nào cũng được, thứ bảy hay chủ nhật, không quan trọng, điều chính yếu là thờ phượng Đức Chúa Trời! Đó chính là suy nghĩ của Na-đáp và A-bi-hu! “Lửa nào cũng được! miễn là xông hương cho Đức Chúa Trời” - và họ đã bị trừng phạt!
Lửa dùng xông hương là lửa thánh, ngày thứ bảy là ngày thánh, những điều thánh không thể lẫn lộn với điều thường. Ngày thánh không thể thay thế bằng một ngày thường. Những ai tự ý thay thế, biến cái thánh lẫn vào cái thường, đưa cái thường trở thành thánh, thì chắc chắn không thể tránh được sự trừng phạt của một “Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai”!
Quy định về lửa xông hương chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong hằng trăm quy định về nghi lễ, mà Chúa còn không đồng ý cho sự thay đổi, huống chi điều răn thứ tư về ngày Thứ Bảy đã được đưa vào chính hiến chương của nước Đức Chúa Trời, thì sao Ngài có thể chấp nhận thay đổi được? Điều khôn ngoan nhất, là thờ phượng Chúa theo những đòi hỏi của Ngài, không có sự thay thế nào khác!
Sau-lơ không vâng lời (I Sa-mu-ên 15)
Chúa truyền phải tuyệt diệt dân A-ma-léc, giết tất cả người và súc vật. Sau chiến thắng, Sau-lơ tha chết cho A-ga, vua A-ma-léc, và để lại những súc vật mập mạp, chỉ diệt các vật xấu. Khi tiên tri Sa-mu-ên đã quở trách, Sau-lơ biện hộ rằng: “Giữ lại các vật tốt để dâng cho Đức Chúa Trời!” - rồi Ngài quyết định từ bỏ Sau-lơ.
Sự vâng lời Đức Chúa Trời là điều trên hết mà Ngài đòi hỏi, không thể thay thế bằng bất kỳ một điều nào khác.
Người ta tưởng có thể làm vừa lòng Chúa bởi việc xây cất nhiều nhà thờ, tăng thêm số tín hữu, hội thánh cầu nguyện và dâng hiến sốt sắng… để thay cho việc chối bỏ ngày Sa-bát! Đức Chúa Trời chẳng phải là loài người, Ngài không nhận những của lễ như thế nếu không đi kèm với sự vâng lời. Không giữ điều răn nói chung và điều răn thứ tư nói riêng, mọi nỗ lực của chúng ta để làm vui lòng Chúa đều trở nên vô ích.
“Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ,… sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng…” (I Sa-mu-ên 15:22,23)
Không giữ điều răn thứ tư là không vâng lời Chúa. Khi đã biết ngày chủ nhật không phải là ngày thánh, mà không trở lại với lời Chúa, đồng nghĩa với sự cố chấp. Yếu tố quan trọng nhất mà một người bước đi theo Chúa phải thực hiện, là tuyệt đối vâng lời Ngài; cho dù những đòi hỏi của Chúa là khó thực hiện.
- oOo-
Với những bài học rút ra từ vài chuyện tích Thánh Kinh trên đây, chúng ta thấy rõ ý muốn của Đức Chúa Trời là con cái Chúa phải vâng phục Ngài một cách hết lòng.
Ma quỉ là cha của sự dối trá, nó dùng nhiều cách để nói dối về Đức Chúa Trời, xuyên tạc lẽ thật, nó khiến chính con cái của Chúa cũng phải mù mờ giữa chân lý và luật lệ do loài người đặt ra.
Hơn lúc nào hết, ngay hôm nay, chúng ta cần phải can đảm trở về với lẽ thật tinh túy của Đức Chúa Trời, đó là cách duy nhất để chúng ta chứng tỏ mối tương giao giữa mình với Chúa là thật, vì Ngài phán: “Chiên Ta nghe tiếng Ta.” (Giăng 10:27) Nếu là chiên của Chúa, hãy nghe tiếng Ngài kêu gọi ta quay về với lẽ thật từ Thánh Kinh.
10. Những câu hỏi dành cho người đang dạy dỗ hoặc đang giữ ngày chủ nhật làm ngày thánh
- Nếu bạn đọc Thánh Kinh, mà không có người hướng dẫn, không có tài liệu tham khảo, bạn sẽ hiểu ngày Sa-bát là ngày nào?
- Khi đọc Thánh Kinh, chắc chắn đã có lúc bạn ngạc nhiên vì sao mình lại giữ ngày chủ nhật trong khi Chúa dạy giữ ngày thứ bảy! Vậy điều gì đã ngăn trở bạn tìm hiểu lẽ thật của Đức Chúa Trời?
- Tại sao người ta cứ phải tách riêng ngày Sa-bát ra khỏi luật pháp Mười Điều Răn?
- Nếu bạn là vua, ban hành một hiến pháp trong vương quốc của mình, mà ai đó tự ý sửa đổi và tuân giữ sai với hiến pháp, bạn có cảm thấy bị xúc phạm chăng?
- Bạn có biết ma-quỉ muốn xúc phạm Đức Chúa Trời bằng cách thay đổi luật pháp của Ngài không?
- Mười Điều Răn có thể bị thay đổi hoặc hủy bỏ một phần không?
- Tại sao không ai lên án 9 điều răn:
- Thờ một Chúa,
- Không làm tượng,
- Không lấy danh Chúa làm chơi,
- Phải hiếu kính cha mẹ,
- Không giết người,
- Không tà dâm,
- Không trộm cướp,
- Không nói dối,
- Không tham lam!
… mà lại cứ lên án việc giữ ngày Sa-bát thứ bảy, trong khi tất cả những điều ấy đều là luật pháp của Đức Chúa Trời? Có điều răn thứ tư mới đủ 10 điều để trở thành bảng luật pháp!
Nếu trong thập tự giá chúng ta không cần tuân giữ 10 điều răn nữa, nếu điều răn đã bị đóng đinh, vậy thì ta cứ bất hiếu, cứ tà dâm, cứ giết người, cứ trộm cướp đi!… Đằng nầy chúng ta vẫn giữ kỹ 9 điều kia mà lại lên án việc giữ điều răn thứ Tư về ngày Sa-bát Thứ Bảy! Bạn thấy có vô lý không?
- Tại sao khi đọc Thánh Kinh, người ta không nhận ra rằng: Đức Chúa Trời rất nhấn mạnh ngày Sa-bát, trong khi ngày thứ nhất của tuần lễ chỉ được nêu lên một cách bình thường như mọi ngày khác?
- Tại sao ngày thứ bảy lại được đưa vào luật pháp luân lý, nếu nó không phải là điều tối quan trọng?
- Một số sự dạy dỗ của Thánh Kinh dùng ẩn ngôn,
- (cách nói bóng, phải giải nghĩa mới hiểu)
- nhưng bạn thấy Mười Điều Răn Đức Chúa Trời có dùng ẩn ngôn không, ý muốn Chúa có rõ ràng và dễ hiểu không?
- Thánh Kinh xác định quá rõ ràng về việc giữ ngày thứ bảy, nó đã trở thành một truyền thống lâu đời của dòng dõi được chọn. Nếu Chúa muốn thay đổi ngày thứ bảy bằng ngày thứ nhất phục sinh thì sao không tìm thấy những thông báo rõ ràng, mà cứ phải suy diễn về ngày chủ nhật dựa trên những câu Thánh Kinh quá mờ nhạt?
- Nếu đúng là ngay trong thời các sứ đồ đã có sự thay đổi về ngày thờ phượng, thì tại sao hội nghị tại Giê-ru-sa-lem **không bàn bạc và công bố?
- (Công vụ 15)
- Giả sử có sự thay đổi quan trọng về ngày thờ phượng từ thứ bảy qua chủ nhật, thì Phao-lô, Giăng hoặc Phi-erơ phải có trách nhiệm thông báo, sao toàn bộ các thư tín Tân ước không một câu nào nói về sự thay đổi đó?
- Nếu đương thời các sứ đồ nảy sinh sự tranh luận về ngày thờ phượng, bạn nghĩ xem có thể yên ổn với sự quá khích của người Giu-đa về vấn đề ngày thứ bảy không?
- Bạn có nghĩ rằng, mọi nỗ lực sống chân chính của bạn đều sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn giày đạp luật pháp Đức Chúa Trời một cách ý thức hoặc không ý thức, qua việc bỏ ngày thứ bảy mà giữ ngày chủ nhật.
- Dấu huyết trên mày cửa và hai cột giúp thiên sứ nhận ra nhà của dân sự Chúa trong đêm của tai vạ thứ mười.
- (Xuất Ê-díp-tô ký 12)
- Ngày phán xét đã đến, Sa-bát thứ bảy là dấu hiệu để Chúa nhận ra dân sự Ngài, bạn có sẵn sàng nhận dấu ấy không?
- (Khải Huyền 14:9-12)
- Đức Chúa Trời muốn gì ở bạn, khi bạn đang nhầm lẫn luật pháp của Ngài mà không biết?
- Bạn có thể can đảm vượt qua tập quán giữ ngày chủ nhật, khi nhận biết rằng Chúa muốn bạn trở lại giữ ngày thứ bảy không?
- Có thể, bạn không cần phải gia nhập một giáo phái nào giữ ngày thứ bảy, nhưng điều quan trọng là bạn phải vâng lời Chúa qua việc tuân thủ 10 điều răn, trong đó, ngày Sa-bát thứ bảy là điều duy nhất tôn trọng Đức Chúa Trời như là Đấng Tạo Hóa của bạn!
“Lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời.” (Ê-sai 40:8)
Chúa kính yêu của con.
Xin cho chúng con nghe được tiếng phán của Ngài, hiểu biết chính xác ý muốn của Ngài và can đảm làm theo.
Xin Thánh Linh Chúa dẫn chúng con vào lẽ thật, đừng để bất kỳ sự lừa dối nào của quỷ dữ chế ngự tâm trí chúng con.
Xin cất đi trong con lòng kiêu căng của học thức, sự tự phụ của trí khôn mà quy phục điều răn Chúa, xin giúp con sức mạnh vượt qua những truyền thống lâu đời, đã miệt mài trói buộc con.
A-men!