Kính chào quý độc giả thân mến, hôm nay An Bình Hạnh Phúc xin được bàn về đề tài “sách Rô-ma đoạn 14 và ngày Sa-bát”. KinhThánh Rô-ma đoạn 14 cho đến Rô-ma 15:1 là một trong những đoạn Kinh Thánh được dùng với mục đích chống lại Điều Răn Thứ 4 của Đức Chúa Trời trong ngày hôm nay.
Lập luận được đưa ra là việc giữ ngày Sa-bát là không cần thiết, con người có thể tự chọn cho mình một ngày nào đó để thờ phượng:
“Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình” (Rô-ma 14:5)
Điều này có đúng không? Liệu có phải chỉ những “người yếu” mới cần giữ ngày Thánh của Chúa? Mời quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Sơ lược về sách Rô-ma.
Sách Rô-ma là sách vô địch cổ võ cho chủ đề tội lỗi của con người được lau sạch (được xưng công bình) bởi đức tin trong huyết Đức Chúa Giê-su Christ.
Từ đoạn 1 cho đến đoạn 11, Phao-lô cho biết rằng người Giu-đa dù có ánh sáng về luật pháp cũng như dân ngoại không biết về luật pháp của Chúa, tất cả đều phạm tội và tất cả đều cần Đấng Cứu Thế. Tất cả đều trở thành con cái của Chúa, con cháu của Áp-ra-ham.
Sau khi được tha tội lỗi xong, sách Rô-ma cho biết tiếp rằng, người tin Chúa sẽ sống trong một sự tranh đấu với bản ngã cũ của mình. Người tin Chúa phải nhờ Đức Thánh Linh để chiến thắng. Gia đoạn nầy đực gọi là “sự nên thánh”. Sau đó Phao-lô than thở về sự cứng lòng của người Giu-đa khiến họ trật phần ân điển. Nhưng ngày cuối cùng Chúa cũng kêu gọi một số người Giu-đa quay trở về với Ngài.
Từ đoạn 12 trở đi Phao-lô đi đến phần thực hành của đạo. Tin đạo rồi chúng ta phải sống đạo. Đoạn 12 nói đến sống đạo trong Hội Thánh của Chúa. Đoạn 13 nói đến sống đạo trong xã hội. Và đoạn 14 đến đoạn 15:7 nói đến thái độ chúng ta nên đối xử với những người người anh em yếu đức tin trong Chúa.
Có nhiều người dùng đoạn 14 để chứng minh rằng ngày Sa-bát không cần phải giữ nữa. Nhưng sự thật có phải vậy không? Quý vị hãy dành giây phút nầy đọc qua Rô-ma đoạn 14 cho đến đoạn 15:1. “Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ. Người nầy tin có thể ăn được cả mọi thứ; người kia là kẻ yếu đuối, chỉ ăn rau mà thôi. Người ăn chớ khinh dễ kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp lấy người. Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã ấy là việc chủ nó, song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng. Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình. Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời… Điều thiện ấy là đừng ăn thịt, đừng uống rượu và kiêng cữ mọi sự chi làm dịp vấp phạm cho anh em mình…Vậy chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình.”
1. Có Hai Nhóm Người Trong Rô-ma.
Trong toàn sách Rô-ma và đặc biệt là trong đoạn 14 ngày Sa-bát không hề được nhắc đến. Trong đoạn 14:1-2 và câu 21 chúng ta thấy rằng Phao-lô nói đến hai nhóm người tin Chúa: những người “mạnh” là những người tin rằng mình có thể ăn được mọi thứ; và những người “yếu” chỉ có thể ăn rau và không uống rượu.
Từ điểm nầy chúng ta có thể suy diễn ra thêm rằng nói về giữ ngày cũng có hai nhóm người:
- Người “mạnh” coi mọi ngày đều như nhau.
- Người “yếu” cho rằng có ngày quan trọng hơn ngày khác.
Có người cho rằng người “yếu” là người cho rằng ngày Sa-bát là ngày quan trọng hơn những ngày khác. Người “mạnh” coi ngày Sa-bát như tất cả mọi ngày. Sự thật có vậy chăng?
2. Vấn Đề Tranh Cãi Tại Rô-ma.
Chúng ta có thể áp dụng đoạn Kinh-thánh nầy cho ngày Sa-bát chăng? Vấn đề tranh cãi giữa người “mạnh” và người “yếu” trong đoạn nầy là sự kiêng ăn và những ngày để kiêng ăn. Trước hết chúng ta biết rằng không một chỗ nào trong Cựu Ước bảo chúng ta ăn chay hoàn toàn, chỉ ăn rau mà thôi, như những người “yếu” trong đoạn nầy đang làm. Có lẽ họ đang tranh cãi với nhau về của cúng cho thần tượng (I Cô-rinh-tô 8:1-13).
Chủ đề của đoạn 14 không phải là việc giữ luật pháp của Chúa là quyền tự do lựa chọn của mọi người và chủ đề cũng không phải là ai đúng hay ai sai theo lương tâm của mỗi người. Mà chủ đề là tất cả chúng ta đều bị Chúa phán xét theo tiêu chuẩn của Chúa.
“Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời… Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:10,12).
Những gì tín hữu tại Rô-ma tin và làm trong đoạn 14, không phương hại đến Tin-lành của Đức Chúa Trời, không nghịch lại lời của Chúa. Nói cách khác không thành vấn đề. Cho nên Phao-lô khuyên rằng hãy người nhịn nhau và tôn trọng lẫn nhau.
3. Không phải ngày nào cũng giống nhau.
Phao-lô viết rằng:
“kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa” (Rô-ma 14:6)
nhưng Phao-lô không viết rằng:
“kẻ không giữ ngày là không giữ ngày vì Chúa”.
Nói một cách khác, Phao-lô cho rằng ngày lễ nào quan trọng để kiêng ăn, ngày lễ nào không cần kiêng ăn, không phải là vấn đề quan trọng, nếu cả hai đều là vì Chúa mà làm. Nhưng Phao-lô KHÔNG nói rằng tự do muốn hủy bỏ ngày nào cũng được, miễn là mình vì Chúa mà hủy bỏ.
Một điều khác chúng ta cần để ý đến là: Nếu những gì ta suy nghĩ mà không nghịch lại ý Chúa thì không sao. Nhưng những gì ta suy nghĩ mà nghịch lại ý Chúa, thì chúng ta phải sửa đổi. Đức Chúa Giê-su phán “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: lạy Chúa, lạy Chúa thì đều được vào nước thiêng đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi” (Ma-thi-ơ 7:21).
Ngày Sa-bát không phải do một người nào tưởng tượng ra, mà đó là do ý Chúa muốn như vậy. Chúa dạy trong điều răn thứ tư rằng chúng ta “hãy nhớ”. Chính Ba Ngôi Đức Chúa Trời cũng giữ ngày Sa-bát để làm gương cho chúng ta. Như vậy, nếu chúng ta thật sự vì Chúa thì chúng ta phải làm theo ý Chúa và noi gương Chúa chứ không thể nào làm theo ý ta mà gọi là vì Chúa được.
4. Việc Giữ Ngày Sa-bát chỉ dành cho những người yếu có đúng chăng?
Nếu thật sự giữ ngày Sa-bát là cho những người yếu thì Phao-lô thuộc về nhóm người yếu, vì chính Phao-lô có thói quen giữ ngày Sa-bát và những lễ khác (Công-vụ-các-sứ-đồ 18:4,19; 17:1,10,17; 20:16). Nhưng trong Rô-ma 15:1 Phao-lô cho rằng ông thuộc về những kẻ “mạnh”. Như thế, Phao-lô không thể nào ám chỉ đến ngày Sa-bát trong đoạn Kinh-thánh nầy được. Hơn thế nữa, chúng ta đừng quên rằng, khi Phao-lô được khải thị để viết sách Rô-ma, tất cả Cơ-đốc nhân, người Giu-đa hay các sắc dân khác, đều giữ ngày Sa-bát.
Trong đoạn 14:5 Phao-lô viết rằng:
“Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình”.
Phao-lô đang ám chỉ đến ngày nào? Những ngày trong tuần lễ hay là những ngày lễ? Nếu các tín hữu tại Rô-ma kiêng ăn, thì những ngày nầy phải là những ngày lễ để người ta kiêng ăn. Như vậy, những tín hữu tại Rô-ma tranh cãi rằng ngày lễ nào quan trọng để kiêng ăn và ngày lễ nào không cần kiêng ăn. Vấn đề tranh luận ở đây không phải là ngày nào là ngày Sa-bát hằng tuần vì tất cả Cơ-đốc nhân đều giữ ngày Sa-bát trong giai đoạn nầy và Kinh-thánh dạy rất rõ ràng về Ngày Sa-bát. Đối với Phao-lô ngày lễ nào kiêng ăn, ngày lễ nào không kiêng ăn, không thành vấn đề, vì Lời Chúa hoàn toàn im lặng về vấn đề nầy. Cho nên Phao-lô dạy rằng: nếu anh em cho rằng ngày lễ nầy và các ngày lễ khác cùng quan trọng như nhau, hay ngày lễ nầy quan trọng hơn ngày lễ khác, thì ai nấy hãy tin ở trí mình. Nhưng Phao-lô không nói rằng mỗi người được tự do hủy bỏ bất cứ ngày lễ nào họ muốn. Và Phao-lô càng không thể ám chỉ rằng: anh em hãy coi mọi ngày trong tuần lễ đều như nhau.
Như vậy là hoàn toàn đi ngược lại với Lời Chúa, vì Lời Chúa cho rằng ngày thứ bảy là ngày Thánh. Trong cuộc đời truyền giáo của Phao-lô cho dân ngoại, ông không hề bị người Giu-đa tấn công vì ông không giữ ngày Sa-bát, hay ông dạy cho dân ngoại đừng giữ ngày Sa-bát. Ngược lại ông bị người Giu-đa đả kích rất nhiều vì ông đã dạy cho dân ngoại đừng chịu phép cắt bì (Công-vụ các sứ đồ 21:21). Sự kiện không hề có một cuộc tranh luận nào về việc giữ ngày Sa-bát trong Tân ước, chứng minh rằng Phao-lô hoàn toàn tuân giữ ngày đó và dạy các Hội Thánh dân ngoại trở về tin Chúa cũng giữ ngày đó.
5. Ngày kiêng ăn.
Rô-ma đoạn 14 nói đến ngày kiêng ăn, chứ không nói đến ngày thánh hay ngày lễ, vì trong đoạn nầy gắn liền việc kiêng ăn thịt và uống rượu với ngày đó. Trong các Hội Thánh thời kỳ đầu tiên, các Cơ-đốc nhân thường kiêng ăn trong ngày thứ nhất và ngày thứ sáu (didache). Nói tóm lại, nghiên cứu cho kỹ Rô-ma 14 ta thấy rằng đoạn nầy không hề (1) nhắc đến ngày Sa-bát, (2) không hề cho phép ai muốn hủy bỏ ngày nào cũng được, (3) không hề nói rằng ngày Sa-bát bị hủy bỏ; (4) đoạn nầy cho biết những gì ta suy nghĩ và quyết định làm hôm nay sẽ bị đoán xét trong ngày cuối cùng.
“Đây tỏ ra sự nhịn nhục của các sứ đồ: Chúng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Giê-su” (Khải huyền 14:12).